(Congannghean.vn)-Gây nhiều bất ngờ tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia khu vực miền Bắc, dự án Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển của 2 em Phùng Văn Long và Mai Nhật Ánh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu xuất sắc giành giải Nhất và tiếp tục được chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế tại Mỹ.
2 em Long và Nhật Anh thuyết trình dự án tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia khu vực miền Bắc năm 2018 |
Thực tế, trước đó có nhiều nhóm tác giả tại Nghệ An đã dày công nghiên cứu dự án này. Tuy nhiên, các dự án còn nhiều hạn chế. Từ khi bắt tay vào thực hiện dự án cho đến khi mang sản phẩm tham dự cuộc thi, 2 em đã phải mất khoảng thời gian khá dài. Bởi vì, năm nay, Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh ngoài việc dành thời gian để nghiên cứu còn lo ôn thi đại học. Bên cạnh đó, để thực hiện được dự án này đòi hỏi một nguồn kinh phí khá lớn. Học hỏi những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm của những đề tài cũ, 2 em đã tập trung cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ.
Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Mai Văn Quyền, sau 2 tháng mày mò, phác thảo thiết kế, bản vẽ kỹ thuật, tìm hiểu vật liệu.., 3 thầy trò đã hoàn thiện sơ đồ cho mô hình. Và phải gần 1 năm trời nghiên cứu thực tế, lắp ráp thử, dự án đã hoàn thành với các bộ phận chính. “Công đoạn chế tác thiết bị cũng rất cầu kỳ. Với những vật liệu có thể tận dụng đồ cũ, chúng em phải đến các bãi đồng nát. Một số công đoạn phải đem mẫu thuê thợ cắt, tiện. Có những bộ phận khi hoàn thiện thì thấy rất đơn giản nhưng có thể phải chế tác nhiều lần và tốn nhiều chi phí. Khác với những dự án khoa học có thể thực nghiệm trên cạn thì mô hình này phải đưa xuống biển. Với trọng lượng mô hình khoảng 70 kg, trong đó có nhiều bộ phận cồng kềnh, chúng em phải thuê ôtô di chuyển gần 20 km từ TP Vinh xuống biển Cửa Lò”, Nhật Anh kể về những khó khăn khi thực hiện dự án.
So sánh với những dự án trước đó, Long cho biết, dự án này có ưu điểm hơn là sử dụng sóng biển để vận hành hệ thống bơm giảm áp, từ đó làm giảm nhiệt độ sôi của nước biển, giúp tạo thành lượng hơi nước lớn hơn, tăng năng suất của máy. Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển có năng suất lớn, hoạt động hoàn toàn độc lập ở ngoài biển và có thể lắp đặt trên tàu, thuyền đánh cá. Mặc dù có những ưu điểm nhưng 2 bạn Long và Nhật Anh cũng có những lo lắng, như: Hệ thống có nhiều bộ phận được chế tạo bằng kim loại, vì vậy có khả năng bị ăn mòn bởi nước muối; vào những ngày nắng ít, công suất của hệ thống giảm...
Không chỉ giành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia, dự án của Long và Nhật Anh còn tiếp tục đi xa với tấm vé vào cuộc thi KHKT quốc tế sắp tới diễn ra tại Mỹ. Đây cũng là dự án đầu tiên của tỉnh Nghệ An được chọn tham dự cuộc thi này.