Tiết kiệm ít nhất 50% năng lượng và rút ngắn 30% thời gian sấy là những ưu điểm của máy sấy thực phẩm bằng năng lượng mặt trời, đang được ứng dụng tại một số địa phương ở TP HCM và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đó là thành quả đạt được của một dự án trong 14 dự án được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, phần lớn các loại nông sản được phơi sấy, bảo quản theo các phương pháp truyền thống như phơi nắng ngoài sân, lòng lề đường. Phương pháp này tuy đơn giản, ít tốn kém nhưng bị động vào thời tiết, thời gian phơi sấy kéo dài nếu trời mưa hoặc ít nắng.
Vì vậy, nông sản thường bị biến màu, giảm mùi hương tự nhiên, giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm. Đồng thời không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do các tác động của mưa, gió, bụi, côn trùng...
Mặc dù hiện nay đã có nhiều phương pháp sấy mới, sử dụng các nhiên liệu như than, trấu, điện năng… nhưng các phương pháp này thường gây ảnh hưởng môi trường và chi phí khá cao, những hộ dân nhỏ lẻ khó tiếp cận được.
Máy sấy cá dứa được lắp đặt tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: K. Anh |
Trăn trở với những khó khăn của nông dân, nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam (Setech) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị sấy thực phẩm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời. Anh Nguyễn Mạnh Tuân - Giám đốc Setech cho biết, thiết bị gồm ba bộ phận: buồng sấy; thông gió và tải ẩm; cấp liệu và lấy sản phẩm; cấp nhiệt.
Nhà sấy được đặt ngoài trời, lấy năng lượng từ mặt trời, quạt ly tâm hoạt động liên tục để thổi khí nóng. Quạt hút cũng hoạt động liên tục để lưu chuyển không khí bên trong nhà sấy lấy ẩm ra ngoài. Quạt thổi khí nóng và quạt hút khí ẩm được điều khiển bằng biến tần dựa theo tín hiệu độ ẩm.
Nhiệt độ bên trong buồng sấy có thể điều khiển on/off bằng tay, kết hợp điều khiển lưu lượng gió bằng việc thay đổi góc mở của van điều tiết. Tùy theo từng loại vật liệu sấy khác nhau mà người vận hành sẽ thay đổi góc mở để có thể điều khiển được nhiệt độ và độ ẩm trong buồng sấy. Dòng không khí sấy đối lưu tiếp xúc với cả mặt trên và dưới của sản phẩm nên sản phẩm sấy có độ khô đồng đều. Nhà sấy có thiết bị hỗ trợ nhiệt khi trời không có nắng hoặc trời mưa. Khi nhiệt độ trong buồng sấy không đủ thì thiết bị hỗ trợ nhiệt tự động bật lên cung cấp nhiệt cho quá trình sấy.
Sử dụng thiết bị này có thể sấy được hầu hết các loại nông, thủy hải sản như chùm ngây, nấm linh chi, tiêu, điều, mít, cà chua, khoai lang, nhãn, cá, tôm, mực... Quá trình sấy giúp giảm phát thải khí CO2, tiết kiệm ít nhất 50% năng lượng và rút ngắn 30% thời gian sấy. Bên cạnh đó, máy được sử dụng đơn giản, tự động hóa, có thể giám sát và điều khiển từ xa. Vì vậy, người dân có thể chủ động được thời gian bảo quản nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, máy đã được lắp đặt cho một số hộ ở TPHCM, Vĩnh Long, An Giang với công suất 30 - 50kg/mẻ. Ở quy mô sản xuất công nghiệp, nhóm đã lắp đặt được 3 nhà sấy có công suất 500kg/mẻ ở quận 9 và Củ Chi (TP.HCM). Máy ở hộ quy mô nhỏ, giá thành từ 40 – 50 triệu/máy, quy mô công nghiệp khoảng 150 triệu đồng/máy, sau một năm đầu tư có thể thu hồi vốn.
Theo anh Tuân, mong muốn của nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của nhà nước để tiếp tục cải tiến sản phẩm ngày càng tiện ích hơn cũng như chiếm lĩnh được thị trường.