Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung từ nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Khánh Hòa”, mã số CT-592.DABKHCN.03.2015. Đây là dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592) do Công ty cổ phần Vật liệu mới Asia 96 chủ trì thực hiện.
Tháng 11/2015, Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asia 96 đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại huyện Diên Khánh với công suất khoảng 15 triệu viên/năm; tổng vốn đầu tư khoảng 5,3 tỷ đồng. Ông Hồ Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Gạch nung chưa thể cấm hẳn được vì nhu cầu thị trường vẫn còn. Tuy nhiên, trong khi cơ quan quản lý nhà nước đang hạn chế dần gạch thủ công, việc đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung để có vật liệu xây dựng thay thế là phù hợp”.
Ông Hồ Minh Châu - Chủ nhiệm đề tài cho biết, thời gian qua, tại Khánh Hòa các mỏ khai thác đá gốc thải ra đá non bán phong hóa lẫn đất đồi, xỉ than, xà bần... là nguồn chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây tốn kém một lượng kinh phí không nhỏ cho việc xử lý. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời góp phần thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường…), Công ty cổ phần Vật liệu mới Asia đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung từ nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Khánh Hòa”.
Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung từ một số loại nguyên liệu chính, có nhiều tại Khánh Hòa như đá bán phong hóa lẫn đất đồi, xỉ than… Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến dây chuyền thiết bị được chuyển giao từ Công ty Cổ phần cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc và đưa vào sản xuất thử nghiệm 400.000 viên gạch xây dựng kích thước 180x80x80 mm theo 4 tổ hợp chính (Tổ hợp 1 gồm đá mạt + đất đồi + chất kết dính + phụ gia: 100.000 viên; tổ hợp 2 gồm đá non + chất kết dính + phụ gia: 100.000 viên; tổ hợp 3 gồm đá non + đất đồi + chất kết dính + phụ gia: 100.000 viên; tổ hợp 4 gồm đá mạt + đá non+ chất kết dính + phụ gia: 100.000 viên).
Cũng theo ông Hồ Minh Châu, dây chuyền thiết bị của dự án có thể sản xuất 15 triệu viên QTC/năm và có thể nâng công suất lên 80-100 triệu viên QTC/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng ở địa phương, đồng thời giải quyết hiệu quả nguồn chất thải rắn nguy hại nêu trên. Trên cơ sở các kết quả đạt được của dự án, Công ty cổ phần Vật liệu mới Asia 96 đã đề xuất và được Sở KH&CN Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN vào tháng 5/2017.
Với những kết quả đạt được, dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước do PGS.TS Vũ Liêm Chính làm Chủ tịch nghiệm thu với kết quả Đạt.
Theo Thông tư số 09 ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15/01/2013), các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày thông tư này có hiệu lực; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ khi thông tư có hiệu lực đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.