Khoa học - Công Nghệ
'Balô chống đuối nước dành cho học sinh' của 2 nhà 'sáng chế nhí' người dân tộc Thái
(Congannghean.vn)-Sáng kiến “Balô chống đuối nước dành cho học sinh” của 2 em Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh (đều trú tại bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương), học sinh Trường THCS Hương Tiến được Ban tổ chức đánh giá cao về sự sáng tạo, tính khả thi và ý nghĩa nhân văn. Sáng kiến đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh trung học cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vừa qua.
2 em Lô Thị May Sao và Kha Thị Nhật Linh nhận giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học do Sở GD&ĐT tổ chức vừa qua |
Với sáng kiến “Balô chống đuối nước dành cho học sinh”, Lô Thi May Sao và Kha Thị Nhật Linh là 2 học sinh người dân tộc Thái và là đại diện duy nhất của huyện Thanh Chương được chọn tham dự cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp Quốc gia diễn ra vào tháng 3 tới tại TP Vinh. Hiện, Sao đang học lớp 8A và Linh đang học lớp 9A. Tuy học khác khối nhưng Sao và Linh ở gần nhà nhau, có chung niềm đam mê khám phá những điều mới mẻ. Nhật Linh chia sẻ: Những buổi sáng cùng nhau đến trường, 2 em đã lóe lên ý tưởng làm ba lô “2 trong 1” để bảo vệ bản thân và bạn bè mỗi mùa lũ đến.
Trường THCS Hương Tiến, xã Ngọc Lâm - nơi 2 em Sao và Linh đang theo học là 1 trong 2 điểm trường khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2006, khi thủy điện Bản Vẽ khởi công, bà con từ huyện Tương Dương dắt díu nhau về vùng đất mới, từ đó lập nên vùng tái định cư xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Những căn nhà được dựng lên, bà con phải hòa nhập cuộc sống mới với phương thức lao động sản xuất hoàn toàn khác với lối sống “tự cung, tự cấp” như bản làng cũ.
Hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây cũng lắm gian truân. Với địa hình nhiều khe suối, cầu tràn, vào mùa mưa lũ, nước ở sông suối dâng cao, chảy xiết rất nguy hiểm. Nhật Linh bộc bạch: “Cứ đến mùa lũ, hầu như lớp học nào cũng không đủ sĩ số, các bạn đều nghỉ học vì lo sợ bị đuối nước trên đường đến trường. Bản thân em từng chứng kiến cảnh một bạn cùng trường bị nước cuốn khi vượt qua đoạn khe suốt chảy xiết nên rất ám ảnh và trăn trở. Chúng em nhận thấy, áo phao sẽ hạn chế bị đuối nước nhưng các bạn không thể mang theo bên mình thường xuyên vì cồng kềnh. Vì thế, bọn em nảy sinh ý tưởng tạo ra chiếc balô “2 trong 1”.
Sau khi chia sẻ ý tưởng, được sự động viên, giúp đỡ của thầy Trần Hưng Hoàn, giáo viên Vật lý Trường THCS Hương Tiến, Sao và Linh bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ của bản thân. Khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo KHKT, 2 em đã hào hứng tham gia với đề tài “Balô chống đuối nước dành cho học sinh”.
Chiếc balô chống đuối nước được thiết kế với bề ngoài hoàn toàn giống với chiếc balô đi học bình thường, song điều đặc biệt của nó là những thiết bị được lắp đặt ở bên trong. Sản phẩm được thiết kế với 2 chức năng chính là cứu đuối và báo động. Các em sử dụng xăm xe đạp cũ để làm phao cứu đuối, các thiết bị định vị, công tắc cảm biến... để làm thiết bị báo động. Khi người đeo balô bị rơi xuống nước, công tắc sẽ tự động đóng và còi sẽ báo động, âm thanh còi có thể kêu xa hơn 50 m, giúp những người gần đó biết để đến ứng cứu kịp thời; đồng thời, phao sẽ giúp người đeo balô chống chọi, kéo dài thời gian để chờ sự giúp đỡ từ người khác.
Trong quá trình thực hiện ý tưởng, Nhật Linh và May Sao gặp rất nhiều khó khăn. Những câu hỏi đặt ra khiến 2 cô học trò nhỏ luôn trăn trở: Làm thế nào để balô sử dụng nhiều thiết bị điện tử có thể hoạt động tốt trong môi trường nước? Làm thế nào để chống nước, để các thiết bị có thể hoạt động bình thường dưới nước? Làm thế nào để cân bằng được trọng lượng của chiếc balô ở mức nhẹ nhất mà vẫn hoạt động hiệu quả nhất? Sau những tiết học ở trường, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, 2 em tự mày mò, đi khắp bản để tìm kiếm nguyên, vật liệu phục vụ việc sáng chế.
“Đã nhiều lần 2 em rất nản, muốn bỏ cuộc vì những cuộc thử nghiệm đều thất bại. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy Hoàn nên chúng em tiếp tục thực hiện, khắc phục những hạn chế và dần hoàn thiện mô hình chiếc balô chống đuối nước”, May Sao tâm sự. Cũng theo May Sao, công đoạn khó nhất là lắp ráp các thiết bị, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao. Bởi, nếu công đoạn này không chuẩn thì các công đoạn khác sẽ không khởi hành được. Có những chi tiết rất khó lắp ráp, May Sao và Nhật Linh đã nhờ thầy Hoàn chỉnh sửa và hoàn thiện.
Mất nhiều tháng ròng tự mày mò qua sách vở và thực tiễn, không có máy tính, internet hay điện thoại thông minh, May Sao và Nhật Linh đã vỡ òa khi sáng chế của mình thành công. Qua nhiều lần thử nghiệm tại sông, hồ cho thấy, balô có thể nâng 1 người có sức nặng khoảng 50 kg nổi lên mặt nước mà không cần tác động nào từ cơ thể.
Tuy là ngôi trường nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, trong bản vùng sâu, vùng xa, nhưng học sinh nơi đây đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để khẳng định ý chí học tập của mình. Đây không phải lần đầu tiên học sinh Trường THCS Hương Tiến đạt giải cao trong các cuộc thi KHKT do Sở GD&ĐT tổ chức. Trước đó, năm học 2015 - 2016, sản phẩm “Dây thắt lưng báo động chống đuối nước” của em Vi Thị Nương đã giành giải Nhì cấp tỉnh; năm học 2016 - 2017, ý tưởng về dụng cụ học bơi từ xăm xe máy cũng đạt giải Ba cấp tỉnh.
Sáng chế của 2 cô học trò nhỏ có tính ứng dụng thực tiễn cao, gần gũi và cần thiết với mọi học sinh, đặc biệt là giá mỗi chiếc balô chỉ khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, có thể phổ biến rộng rãi đến mọi học sinh. Thầy Hoàng Kim Cương, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Tiến không giấu khỏi niềm vui chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào về thành tích của 2 em Nhật Linh và May Sao đạt được trong cuộc thi KHKT học sinh trung học vừa qua. Đây là 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất chăm học, có niềm đam mê sáng tạo khoa học. Khi ý tưởng của 2 em hình thành, nhà trường đã tạo điều kiện để các em có thêm thời gian nghiên cứu các thiết bị, thực nghiệm… Sản phẩm “Balô chống đuối nước dành cho học sinh” có tính ứng dụng cao, nếu được phát triển và nhân rộng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ đuối nước đối với học sinh”.
Thu Thủy