Khoa học - Công Nghệ

Nhận biết vị trí ô nhiễm môi trường bằng… smartphone

10:37, 20/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và IoT (Internet of Things), nhóm sinh viên trường ĐH Việt Đức đã tạo ra một hệ thống quan trắc môi trường giúp nhận biết khu vực đang ô nhiễm.

Các thành viên nhóm tham gia cuộc thi Hackathon Bình Dương năm 2017. Ảnh: NVCC.
Các thành viên nhóm tham gia cuộc thi Hackathon Bình Dương năm 2017. Ảnh: NVCC.

Sản phẩm này của 4 chàng trai Trần Quang Tiến, Lý Minh Tài, Hồ Ngọc Khang Minh và Đinh Bửu Sơn, cùng là sinh viên ngành Điện - Điện tử, trường ĐH Việt Đức (Bình Dương).

Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài, Trần Quang Tiến, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, vấn đề về môi trường đang trở nên bức thiết với bất cứ quốc gia nào. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Dương, tập trung nhiều khu công nghiệp, việc quản lý hoạt động xả thải của doanh nghiệp luôn là vấn đề lớn của cơ quan chức năng.

“Đây là lý do để nhóm mong muốn góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc giúp cơ quan nhà nước quản lý môi trường tại khu vực cũng như hỗ trợ người dân nắm bắt được các thông tin môi trường thực tế” - Tiến cho hay.

Tại cuộc thi Bình Dương Hackathon vừa tổ chức vừa qua, 4 chàng sinh viên ĐH Việt Đức đã tạo ra một giải pháp công nghệ để thực hiện việc quản lý thông số về môi trường bằng điện thoại.

Trong vòng 36 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, nhóm đã xây dựng được hệ thống dữ liệu, quản lý các điểm quan trắc, cũng như một ứng dụng di động để sử dụng. Nhóm đã triển khai thử 3 điểm thử nghiệm để thu thập dữ liệu từ môi trường, cụ thể là không khí.

Lý Minh Tài, thành viên nhóm cho biết, nhóm sẽ sử dụng công nghệ điện toán đám mây để lưu trữ toàn bộ các dữ liệu từ các địa điểm quan trắc môi trường gửi về. Các điểm quan trắc sẽ kết nối không dây với cơ sở dữ liệu và gửi thông số môi trường thông qua internet (IoT).

“Việc thiết kế hệ thống bằng công nghệ điện toán đám mây và IoT giúp giảm tài nguyên phần cứng. Mọi dữ liệu sẽ được lưu trữ “trên mây” nên không phải tốn chi phí đầu tư máy chủ. Dữ liệu còn có thể tùy biến theo đặc thù của từng khu vực riêng biệt” - Tài chia sẻ.

Hệ thống sẽ giúp cơ quan chức năng nắm được các chỉ số môi trường trên máy tính, smartphone. Các dữ liệu sẽ được chuyển về theo thời gian thực. Khi có vấn đề về môi trường như: ô nhiễm không khí, xả nước thải quá mức cho phép, nguy cơ cháy nổ…

“Nếu có bất kỳ vấn đề gì bất thường, gần như ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ biết và xử lý” - Đinh Bửu Sơn, thành viên nhóm cho biết.

Ngoài ra, người dân hoàn toàn có thể sử dụng smartphone để nắm được các thông số về môi trường thông qua một ứng dụng di động (application). Người dân có thể biết được khu vực nào đang có các chỉ số môi trường nguy hại đến con người để tìm cánh phòng tránh khi ra đường.

Sản phẩm của nhóm giành giải nhất cuộc thi Hackathon Bình Dương 2017 với phần thưởng 70 triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Sản phẩm của nhóm giành giải nhất cuộc thi Hackathon Bình Dương 2017 với phần thưởng 70 triệu đồng. Ảnh: NVCC.

Đánh giá về hệ thống của nhóm, TS Võ Bích Hiển, giảng viên bộ môn Điện - Điện tử, trường ĐH Việt Đức chia sẻ, đây là một hệ thống có tính khả thi cao, hoàn toàn có thể ứng dụng vào thành phố thông minh mà tỉnh Bình Dương đang xây dựng.

“Nếu lắp đặt càng nhiều điểm quan trắc ở nhiều vị trí khác nhau sẽ tạo ra một bản đồ cho thành phố, giúp cơ quan chức năng quản lý hoạt động về môi trường dễ dàng hơn. Dữ liệu sẽ được quản lý và phân quyền cho các đối tượng khác nhau như chính quyền, nhà hoa học, người dân…sử dụng” - TS Hiển cho hay.

Giải pháp của nhóm đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi lập trình Hackathon Bình Dương 2017 vừa tổ chức với phần thưởng 70 triệu đồng.

Theo Khampha.vn

Các tin khác