Hiện nay, ngoài những hiệu ứng tích cực, không gian mạng còn bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng làm môi trường, công cụ để chống phá chế độ chính trị ở nước ta (như thực hiện “diễn biến hòa bình” qua không gian mạng, đăng tải bài viết có nội dung xấu độc, sai sự thật, thất thiệt để phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ).
Thực tế, các hoạt động này đã gây ra hậu quả xấu, gây hoang mang trong dư luận, gây mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Việc yêu cầu có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam là cơ sở để phục vụ điều tra, xác minh, xử lý thông tin, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài không phối hợp với cơ quan An ninh Bộ Công an để xử lý hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước
Theo thống kê, tại Việt Nam có gần 30 triệu người sử dụng Internet (chiếm 1/3 dân số cả nước, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới), 180 nghìn tên miền Việt Nam (.vn) được đăng ký, 115 triệu thuê bao điện thoại di động, 15 triệu thuê bao điện thoại cố định. Công nghệ thông tin, viễn thông trở thành một lĩnh vực mà các đối tượng tập trung khai thác, sử dụng để thực hiện tội phạm...
Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội, năm 2015 và 2016 tiếp tục được coi là năm “báo động đỏ” của an ninh mạng Việt Nam với rất nhiều vụ tấn công, phá hoại, lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã tin học độc hại..., nhằm vào hệ thống mạng của cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của Nhà nước với mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng, làm rối loạn hoạt động của hệ thống và lộ lọt thông tin.
Tình trạng sử dụng các thiết bị công nghệ cao đánh cắp thông tin, làm giả thẻ tín dụng để mua vé máy bay, hàng hóa ở nước ngoài chuyển về Việt Nam tiêu thụ tiếp tục gia tăng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng tiền Việt Nam và hàng triệu USD cho nạn nhân. Các tổ chức tội phạm tại Việt Nam liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm ở nước ngoài tạo thành những đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động tinh vi.
Tình hình lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử gia tăng dẫn đến tình trạng nhiều nước không chấp nhận giao dịch qua mạng Internet có địa chỉ IP xuất phát từ Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và lĩnh vực kinh tế nói chung.
Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zing... (trong đó Facebook là phổ biến nhất) mang lại khả năng kết nối và chia sẻ thông tin giữa người sử dụng trên khắp thế giới, bất kể khoảng cách về địa lý. Tại Việt Nam hiện có khoảng 45 triệu tài khoản người dùng Facebook, trong đó có 42,5 triệu tài khoản truy cập từ thiết bị di động và số lượng người dùng Facebook có độ tuổi từ 18 - 34 chiếm 75%.
Trung bình mỗi ngày một người dùng Facebook tại Việt Nam dành 1 giờ để truy cập Facebook. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khoản 5, Điều 39 Dự thảo Luật An ninh mạng quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam và lợi ích của người sử dụng, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật”.
Vì thế, những quy định này là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, không làm ảnh hưởng tới việc lưu thông thông tin và dữ liệu giữa các nền kinh tế, không phát sinh đáng kể chi phí kinh doanh.
Khẳng định vấn đề này, bên lề họp báo Chính phủ, chiều 3-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng lại đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến công tác quản lý gặp khó khăn “khi các tổ chức, cá nhân lợi dụng các mạng để nói xấu chế độ, bôi nhọ xuyên tạc”.
Bảo vệ an ninh quốc gia
Xuất phát từ thực tế tình hình an ninh mạng nước ta hiện nay và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hiện nay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài chưa thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác phối hợp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet qua biên giới tiến hành kinh doanh và thu hàng tỷ đô la từ người sử dụng dịch vụ mạng nước ta nhưng không hề đóng thuế, tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, nội dung như trên trong dự thảo Luật An ninh mạng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và lợi ích của đất nước.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Công an đã nhận được nhiều ý kiến góp ý đến từ Đại sứ quán các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada… Trong đó, Đại sứ quán Nhật Bản đã có công hàm góp ý và Công sứ Kinh tế Nhật Bản đã có trao đổi trực tiếp với đơn vị chức năng của Bộ Công an về vấn đề này.
Trong buổi làm việc ngày 11-10-2017, ông Nagai Katsuro, Công sứ kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản đề cập tới hai vấn đề, gồm: mong muốn phía Việt Nam rút kiến nghị tạm hoãn thực thi một số nội dung liên quan tới việc lưu chuyển thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử (Khoản 1 Điều 14.13 Hiệp định TPP); nội dung không đặt máy chủ trên lãnh thổ của một bên như một điều kiện kinh doanh (Khoản 2 Điều 14.13 Hiệp định TPP), đề cập tới quy định tại Khoản 5 Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng liên quan tới nội dung này.
Đồng thời cho biết thêm, Bộ Công thương Việt Nam đã có văn bản yêu cầu kiến nghị tạm hoãn 2 nội dung nêu trên và cho rằng, nếu không được tạm hoãn sẽ làm cho Việt Nam gặp khó khăn trong công tác bảo vệ an ninh mạng.
Công sứ Kinh tế cũng cho biết thêm, Hiệp định TPP có quy định ngoại lệ về 2 nội dung trên để bảo đảm đạo đức công chúng và trật tự xã hội. Việc có đề cập tới nội dung quy định về yêu cầu đặt máy chủ và lưu chuyển dữ liệu quan trọng quốc gia ra bên ngoài biên giới là phù hợp với ngoại lệ của TPP, không cần thiết phải đề nghị tạm hoãn 2 nội dung trên.
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu nội dung Điểm b, Điều 29.2 Hiệp định TPP, cho thấy, Hiệp định TPP có quy định về ngoại lệ an ninh, trong đó nêu rõ: “Không có quy định nào của hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế hay bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu”.
Đối với mỗi thực thể đặc biệt, cần bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi quốc gia đều áp dụng những biện pháp bảo vệ đặc thù có thể giống và khác nhau. Một ví dụ rất thường nhật về hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, các hãng xe ôtô trên thế giới có thể sản xuất và bán ở mọi quốc gia, nhưng muốn bán ở Mỹ, phải trải qua các hoạt động kiểm định, kiểm tra tính an toàn, hàm lượng khí thải... rất ngặt nghèo. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cũng được áp dụng biện pháp bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng về an ninh quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép kinh doanh cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng là hoạt động quản lý nhà nước đối với một loại hình dịch vụ, một loại giấy phép chung cho toàn xã hội, chưa bao gồm các điều kiện về an ninh, trật tự, chưa bảo đảm yếu tố con người và chưa tính đến yếu tố quan trọng với an ninh quốc gia. Tiếp tục ví dụ về việc sử dụng ôtô, khi ôtô được sử dụng cho cơ quan đặc biệt, cho nguyên thủ quốc gia, chiếc xe đó phải trải qua quy trình kiểm tra, đánh giá an ninh nghiêm ngặt.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng cũng vậy, muốn kinh doanh, các doanh nghiệp phải xin phép, còn muốn cung cấp cho các cơ quan quan trọng về an ninh quốc gia, các doanh nghiệp phải trải qua các biện pháp an ninh của cơ quan chuyên trách để chứng minh dịch vụ kinh doanh, nhân lực bảo đảm yêu cầu an ninh. Nếu trong tình trạng chiến tranh, yêu cầu an ninh này có thể được nâng cấp thành yêu cầu quốc phòng.
.