Bấm Play để xem video giới thiệu khả năng tuyệt vời của win10 sắp cập nhật
Đúng như dự đoán, bản cập nhật lớn kế tiếp của Windows 10 đã xuất hiện tại sự kiện BUILD 2017 với tên gọi Fall Creators. Nhìn vào cái tên chắc anh em cũng đoán được rằng nó sẽ phát hành cho chúng ta trải nghiệm vào mùa thu năm nay, và cũng như những lần trước: hoàn toàn miễn phí.
Fall Creators sẽ mang tới một giao diện và phong cách thiết kế UI mới hoàn toàn cho Windows 10, bổ sung những tính năng giúp bạn xài máy tính ngon hơn, và kết hợp tốt hơn với điện thoại Android, iOS của bạn.
Fluent Design
Fluent Design là một ngôn ngữ thiết kế mới của Windows 10 thay thế cho ngôn ngữ Microsoft Design Language 2.0 hay còn gọi là Win 10 Metro. Nó chính là Project NEON mà chúng ta được nghe nói tới trong mấy hôm rồi. Fluent xoay quanh 5 yếu tố: ánh sáng, chiều sâu, chuyển động, các lớp "vật liệu" và khả năng chạy đa nền tảng.
Ánh sáng, theo Microsoft, là khả năng hòa giữa app với các thành phần khác, hay nói đơn giản nó chính là phần trong mờ của app Windows 10 mới. Chiều sâu chính là cảm giác về độ sâu giữa các app hay các nút nhấn trong hệ thống, mọi thứ sẽ không còn được đặt trên cùng mặt phẳng như hiện tại mà sẽ có lớp lang.
Về chuyển động, Microsoft sẽ bổ sung thêm các hiệu ứng mới khi bạn rê chuột lên menu, khi bạn thu phóng cửa sổ và nhiều nơi khác nhằm tạo ra một cảm giác mượt mà và nhẹ nhàng hơn. Vật liệu nhấn mạnh vào sự phân tầng giữa các app Windows với nhau, cái này hãng chưa đề cập rõ lắm. Cái cuối thì đã rõ, Fluent Design sẽ được áp dụng cho cả Windows 10 và các app Android, iOS của Microsoft, nó cũng sẽ mở rộng cho cả hệ thống AR Hologram mà công ty đang rất tích cực phát triển nữa.
Để một ứng dụng có được Fluent Design, lập trình viên sẽ cần tinh chỉnh app của mình một chút. Microsoft đương nhiên sẽ dẫn đầu sự thay đổi với những app đầu tiên được áp dụng Fluent bao gồm Groove Music, Photos, Calculator, Voice Recorder... Các app khác sẽ dần dần được update trong thời gian tới, cả app bên thứ ba cũng vậy.
Đây là một app Windows 10 mới sẽ thay thế cho Windows Movie Maker mà chúng ta đã quen thuộc từ hồi Win XP tới tận Win 7. Story Remix cho phép bạn lấy hình ảnh và video từ bất kì thiết bị nào bạn có trong tay - iOS, Android, Windows - rồi tổng hợp lại thành đoạn clip bạn mong muốn. App sẽ tự động add thêm hiệu ứng và nhạc nền cho sinh động, nếu bạn muốn tự thêm chữ hay viết vẽ lên thêm cũng được luôn, hơi giống như Apple Clip hay chức năng tạo video vui vẻ của Google Photos.
Không chỉ có mặt trên Windows, Story Remix còn có app cho iOS và Android nữa với tính năng gần giống nhau. Bạn thậm chí còn có thể bắt đầu tạo clip trên điện thoại rồi sau đó sang máy tính Windows 10 để hoàn tất phim hay ngược lại, một bước đi rất thông minh trong bối cảnh ngày nay nhiều người đã có 1 smartphone + 1 PC.
Microsoft cũng cho phép người dùng đưa các mô hình vẽ 3D trong Paint 3D vào Story Remix nhằm làm cho clip thêm ấn tượng. Ví dụ, bạn có thể thả một con cá 3D vào clip để nó bơi theo đứa con bé nhỏ của bạn đang chơi đùa. Nhạc nền cũng có thể import từ app Microsoft Groove, tạo nên một hệ sinh thái với mối liên kết chặt chẽ hơn.
Timeline
Timeline là một chức năng của Windows 10 Fall Creators Update, nó sẽ tự "chụp" lại hệ thống của mình theo từng thời điểm khác nhau, sau đó bạn có thể khôi phục lại các thời điểm này để tiếp tục làm việc. Ví dụ, trong giao diện Timeline, bạn sẽ biết ngày hôm qua mình đã chạy những ứng dụng nào, mở những file gì, xem những website nào... Trong trường hợp bạn muốn xem 2, 3, 4, 5 ngày trước đó nữa cũng chơi được luôn. Timeline sẽ xuất hiện trong giao diện Task View (đa nhiệm) của Windows 10.
Nhưng không chỉ giới hạn trên Windows 10, Timeline còn hiển thị luôn cả những app đang chạy trên thiết bị Android và iOS của bạn. Với một số app nhất định, bạn có thể làm việc trên app di động rồi chuyển qua máy tính làm nốt công việc còn lại, giống như Story Remix ở trên chẳng hạn. Hiện tại Apple đang làm vụ này khá ngon với hệ thống Continuity cho iOS và macOS, sắp tới chúng ta cũng làm được chuyện tương tự cho Windows - Android - iOS. Thực ra bây giờ bạn đã có thể restore lại những website đang xem trong Edge giữa các máy Windows 10 rồi đấy chứ. Cortana được tích hợp vào Timeline với nhiệm vụ tự chọn ra app nào bạn sẽ có khả năng sử dụng tiếp khi chuyển giữa các thiết bị.
Tất nhiên để tính năng này chạy ngon thì sẽ cần sự giúp sức từ các lập trình viên bên thứ, trong đó bao gồm việc họ sẽ phải đưa Cortana vào app của mình. Trước mắt có lẽ bộ app Microsoft sẽ là những ứng dụng đầu tiên được áp dụng Timeline đa nền tảng, và mình nghĩ Word, Excel, PowerPoint xứng đáng là những app đầu tiên được áp dụng.
Synced Clipboard
Nếu như Timeline là về app thì Clipboard chỉ về clipboard là thôi. Cho anh em nào chưa biết, Clipboard là một vùng lưu trữ tạm để Windows chứa những file, ảnh, chữ nghĩa mà bạn đã copy. Khi anh em dán nội dung đã copy xuống, Windows sẽ lấy dữ liệu từ clipboard này ra. Với Windows 10 Fall Creators Update, clipboard của máy Windows có thể đồng bộ với clipboard của những máy Windows, iOS và Android khác. Nói cách khác, anh em có thể copy danh sách đi chợ đã note trên máy tính rồi cầm điện thoại Android dán nhanh list này vào một app ghi chú bạn thích trên đường bạn đi ra lấy xe để mua sắm giùm vợ. Nghe rất thích đúng không? Anh em dùng Mac có tính năng Universal Clipboard với khả năng tương tự.
OneDrive Files On-Demand
Tính năng này sẽ lưu file của bạn trên mạng và chỉ download đúng những file bạn cần. Nó hơi giống với nút Make Available Offline trong Windows 8 và Windows 10 hiện nay, chỉ là mọi thứ được thể hiện rõ ràng và trực quan hơn cho bạn nhận biết. Một icon mới sẽ cho bạn biết liệu file đã được download xuống máy local hay vẫn còn đang nằm trên OneDrive.
Khi nào thì bạn update này xuất hiện?
Tháng 9 năm nay anh em sẽ được update bản chính thức của Windows 10 Fall Creators, tất nhiên trước đó bản Preview sẽ xuất hiện để chúng ta nghịch trước thông qua kênh Windows Insider. Ngày ra mắt cụ thể vẫn chưa có, nhưng ngay hôm nay chúng ta đã có thể thử nghiệm Story Remix thông qua bản update mới nhất cho Windows 10 Insider Fast Ring.