Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng với Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Chính phủ Hàn Quốc đang phối hợp nhằm xây dựng kế hoạch phóng một loạt vệ tinh cảm biến xác định ô nhiễm không khí vào không gian vũ trụ.
Những vệ tinh cảm biến này nằm trong dự án có tên TEMPO nhằm giám sát và theo dõi các chất gây ô nhiễm không khí từ quỹ đạo Trái Đất. Các nhà khoa học hy vọng TEMPO sẽ giúp cung cấp một bức tranh tổng thể hơn về cách thức các chất độc hại lan tỏa trong bầu khí quyển.
"Ô nhiễm không khí thực sự là một vấn đề mang tính toàn cầu. Ô nhiễm ở Mỹ có thể lan đến châu Âu, ô nhiễm từ châu Á lại có thể lây lan ngược trở về Mỹ và vì vậy, vệ tinh là phương pháp tốt nhất để giám sát mức độ ô nhiễm trên diện rộng”, tờ Huffington Post dẫn lời ông Barry Lefer, người đứng đầu dự án TEMPO cho biết.
NASA sẽ khởi động giai đoạn đầu tiên của TEMPO vào tháng 5 này. Các vệ tinh cảm biến sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu ô nhiễm không khí từ bán đảo Triều Tiên và trải rộng ra toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. TEMPO khi phát triển đến giai đoạn cao nhất sẽ tạo thành một hệ thống cảm biến dày đặc và thống nhất bao phủ toàn Trái Đất.
Theo NASA, mỗi năm, ô nhiễm không khí khiến hơn 150.000 người tử vong tại Hoa Kỳ và hơn 2 triệu người chết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nhà khoa học NASA hy vọng dự án TEMPO sẽ giúp các cơ quan môi trường trên toàn thế giới tăng cường hiệu quả trong hoạt động phòng chống ô nhiễm môi trường.