Vào ngày này cách đây 30 năm, ngày 26/4/1986, một loạt vụ nổ làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thị trấn Pripyat của Ukraine, gây rò rỉ hơn 8 tấn phóng xạ, ô nhiễm trực tiếp hơn 60.000 km2 gồm bao phủ nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraine, Belarus và Nga.
Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số thực tiễn đáng kinh ngạc về thảm họa nguyên tử tồi tệ trong lịch sử nhân loại mà tác hại của nó vẫn còn đang hiện hữu.
1. Hệ thống an toàn khẩn cấp của lò phản ứng đã bị tắt
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đặt tại Ukraine bao gồm 4 lò phản ứng, mỗi lò sản xuất 1.000 megawatt điện, cộng với hai lò phản ứng bổ sung đang trong quá trình xây dựng.
Nhà máy được xây dựng từ thập kỷ 1970: lò phản ứng số 1 bắt đầu hoạt động năm 1977, tiếp theo là lò phản ứng số 2 (1978), số 3 (1981), và số 4 (1983).
Vào đêm 25 rạng ngày thứ Bảy, 26/4/1986, các kỹ sư Liên Xô bắt đầu chạy thử nghiệm một tuốc bin ở lò số 4 ngay trước khi tắt máy thường xuyên để bảo trì. Để thực hiện cuộc thử nghiệm, họ đã dại dột vô hiệu hoá hệ thống làm mát lõi khẩn cấp và thiết bị an toàn quan trọng khác. Một chuỗi các sai lầm hoạt động sau đó đã xảy ra, dẫn đến sự tích tụ hơi nước khiến cho lò phản ứng quá nóng. Lúc 1h23 phút sáng, hai đến ba vụ nổ phát lửa nhanh chóng thổi bay nắp lò bằng thép và xi măng và bắn một quả cầu lửa khổng lồ vào không trung.
Được biết, vụ tai nạn ở Chernobyl thải ra phóng xạ cao gấp 100 lần các vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản thời Thế chiến thứ II.
2. Việc dọn dẹp còn nguy hiểm chết người hơn so với vụ nổ ban đầu
Mặc dù các vụ nổ lớn ở Chernobyl đã giết hại trực tiếp chỉ 2 kỹ sư vận hành máy và một người thứ ba được báo cáo là chết do nhồi máu cơ tim. Có 28 công nhân và nhân viên cứu hỏa qua đời vì nhiễm độc phóng xạ cấp tính trong vài tháng đầu dọn dẹp, và hàng chục người khác bị bệnh nặng.
Bụi phóng xạ nặng - lan truyền đến tận phương Tây như Pháp , Anh – giống như hồi chuông báo tử. Hàng ngàn trẻ em uống sữa nhiễm phóng xạ bị ung thư tuyến giáp, ít nhất 15 người trong số đó đã chết. Chernobyl gần như chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến tử vong do ung thư mặc dù con số vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi. Trong năm 2005, diễn đàn Chernobyl Forum do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã dự đoán tai nạn Chernobyl đã cướp đi tổng số 4.000 mạng người, trong khi tổ chức Hoà Bình Xanh đưa ra con số 93.000 người.
3. Liên Xô cố gắng che đậy
Ngay lập tức sau vụ nổ Chernobyl, các nhà chức trách Liên Xô đã cố gắng che giấu thông tin trong dân chúng và không cho thấy có nỗ lực nào cảnh báo các nước láng giềng.
Người dân sống ở Pripyat, thành phố dành cho các nhân viên nhà máy cùng gia đình cách lò phản ứng 2 km vẫn diễn ra bình thường sau vụ nổ. Người dân vô tư ra ngoài vào sáng thứ Bảy để "hưởng" thời tiết ấm áp khác thường. Có 16 đám cưới vẫn diễn ra vui vẻ trong ngày cuối tuần 26/4/1986. Còn tại thủ đô Kiev cách đó 110 km, người dân vẫn nô nức đón chờ cuộc diễu hành nhân ngày Quốc tế lao động mà hoàn toàn không ý thức gì về lượng phóng xạ khổng lồ đang ụp lên đầu họ.
Tuy nhiên, hôm 28/4, việc che đậy bắt đầu đổ vỡ khi các máy giám sát không khí của Thuỵ Điển dò ra lượng lớn phóng xạ trong khí quyển dường như xuất phát từ Liên Xô. Bị sức ép phải trả lời, Liên Xô phải thừa nhận rằng một vụ tai nạn đã làm hai người ở nhà máy Chernobyl thiệt mạng, nhưng họ cũng nói dối rằng tình hình đã được kiểm soát. Đến tận ngày 6/5 các nhà chức trách phải đóng cửa trường học ở Kiev và cảnh báo người dân không nên ra ngoài. Toàn bộ câu chuyện về những gì xảy ra ở Chernobyl mãi đến nhiều năm sau mới được tiết lộ.
4. Còn rất nhiều người vẫn không thể về nhà
Khoảng 36 giờ sau khi vụ tai nạn xảy ra, các nhà chức trách Liên Xô bắt đầu sơ tán khoảng 115.000 người sinh sống gần đó, mặc dù nhiều người trước đó đã bắt đầu bị đau đầu, buồn nôn. Tin tưởng rằng sẽ sớm được phép trở về, họ để lại phía sau các đồ vật có giá trị và vật nuôi. Tuy nhiên, sau đó tất cả đất đai trong phạm vi bán kính 30 km cách nhà máy bị đóng cửa vĩnh viễn, các trạm gác được thiết lập để kiểm soát không cho thâm nhập vào bên trong. Khu vực được gọi là loại trừ này sau đó đã được mở rộng trong những năm tiếp theo, dẫn đến việc di tản thêm 220.000 người. Mặc dù có vài trăm cư dân đã trở lại trái phép nhưng phần lớn diện tích còn lại vẫn không có sự hiện diện của con người.
5. Chernobyl trở thành khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã thực sự
Khi rừng đã chiếm lại đất trước đây được khai hoang phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp, cùng với việc không có người sinh sống, muông thú, gồm nai, hươu đỏ, chó sói, mèo rừng, đại bàng, gấu và các loài động vật cỡ lớn khác bắt đầu quay lại khu vực loại trừ quanh Chernobyl. Khu vực này đã trở thành một khu bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo", Chernobyl Forum tuyên bố năm 2005. Tuy nhiên, bên cạnh một số loài dường như phát triển mạnh thì một số loài có những dấu hiệu bất thường do phóng xa, như chim có mỏ biến dạng.
6. Nhà máy không đóng cửa cho đến tận nhiều năm sau
Khi lò số 4 nổ, 3 lò khác ở nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa. Tuy nhiên, tất cả sau đó đã được khởi động lại trong khoảng vòng 1 năm rưỡi mặc dù cộng đồng quốc tế lên án về các lỗi thiết kế của chúng và ô nhiễm lan rộng tại khu vực nhà máy. Hàng ngàn nhân viên vận hành nhà máy tiếp tục đến làm việc mỗi ngày. Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện thêm 14 năm sau thảm hoạ và chỉ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2000 do sức ép của quốc tế.
Lò số 2 đóng cửa năm 1991. Sau đó, trong năm 1995, chính quyền Ukraine độc lập mới đồng ý đóng cửa 2 lò phản ứng còn lại để nhận sự trợ giúp tài chính từ nhóm G7. Lò số 1 dừng hoạt động năm 1996, và lò số 3 đóng cửa năm 2000.
7. Chernobyl trở thành một điểm thu hút du lịch rùng rợn
Du khách đến thăm Chernobyl. Ảnh: Trip Advisor
Mặc dù con người không thể sống ở đó nhưng các nhà chức trách Ukraine đã mở khu vực loại trừ cho khách du lịch từ năm 2011. Kể từ đó, các hướng dẫn viên đưa du khách đến thăm cuộc sống nơi hoang dã cũng như khám phá các thị trấn ma đã bị bỏ rơi vội vã rải rác gần Chernobyl như Pripyat, nơi từng có dân số đến hơn 45.000 người. Để giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ, hướng dẫn viên có mang theo máy định phân lượng và hướng dẫn du khách không ăn hoặc hút thuốc bên ngoài.
8. Việc dọn dẹp vẫn đang diễn ra
Bất chấp rủi ro sức khoẻ của bản thân, hàng nghìn nhân viên cứu hộ đã thả cát, chì và boron vào trong lõi lò phản ứng và làm sạch các mảnh vụ cháy để ngăn chặn phát thải nguyên liệu phóng xạ trong vài ngày sau tai nạn xảy ra. Họ cũng chặt và chôn hàng héc ta rừng thông, san bằng cả ngôi làng, thậm chí giết vật nuôi bị bỏ lại vì lo ngại chúng sẽ rời khỏi khu vực và gây ra ô nhiễm nhiều hơn. Các công nhân sau đó chôn vùi lò phản ứng trong một cấu trúc bê tông khổng lồ, được gọi là quan tài, mà theo thời gian đã bắt đầu xấu đi. Nếu mọi việc suôn sẻ, một tấm vòm mới nặng 32.000 tấn sẽ được đẩy lên trên quan tài vào năm tới. Tuy nhiên, theo chính phủ Ukraine, khu vực nhà máy sẽ không được hoàn toàn giải phóng cho đến tận năm 2065. Trong khi đó, các hạt phóng xạ sẽ ở lại trong môi trường cho hàng trăm thế hệ tới.
Cảnh quay "quan tài" Chernobyl từ drone tháng 12/2015. Nguồn: Chernobylgallery.com
Cùng xem lại một số hình ảnh được chụp ngày 19/4 tại thị trấn Pripyat, gần Chernobyl của Ukraine 30 năm sau thảm họa Chernobyl.