Thay vì tự đầu tư, quản lý các dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), các cơ quan Nhà nước có thể chuyển sang thuê, mua dịch vụ của DN.
Sáng 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, đã gặp gỡ, lắng nghe ý kiến đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, DN trong lĩnh vực CNTT.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho biết lãnh đạo nhiều nước phát triển đều rất quan tâm đến ưu tiên ứng dụng CNTT. Vì vậy, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng đứng đầu được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển đột phá để Việt Nam thực sự trở thành một nước mạnh về CNTT. Trong đó vai trò của các chuyên gia, DN CNTT là hết sức quan trọng để tư vấn, tham vấn giúp Ủy ban và Thủ tướng Chính phủ đưa ra những quyết định liên quan đến cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường ứng dụng CNTT tập trung vào những dịch vụ công thiết yếu |
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, CNTT và nông nghiệp là hai lĩnh vực mạnh nhất, có thể là lối ra cho Việt Nam. Trong đó, CNTT là ngành kinh tế kỹ thuật không cần nhiều về đầu tư, sử dụng vật liệu, cơ sở hạ tầng song lại là một trong những yếu tố quyết định nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với góc nhìn của ông Mai Liêm Trực, cho rằng phải xác định rõ vai trò của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT là đưa ra các quyết định ở tầm vĩ mô đối với sự phát triển CNTT của đất nước. Còn việc thực thi, triển khai cụ thể là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình ứng dụng CNTT; vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính là xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho công tác ứng dụng CNTT ở các bộ, ngành, địa phương.
Cuộc họp đã dành thời gian thảo luận việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ góc độ tiếp cận thuê, mua dịch vụ thay vì mỗi bộ, ngành, địa phương tự đầu tư, quản lý hệ thống tin học của riêng mình, thiếu sự kết nối, chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, các DN trên thế giới đang chuyển mạnh từ đầu tư trực tiếp vào ứng dụng CNTT sang thuê, mua dịch vụ do DN CNTT cung cấp theo đầu bài cụ thể.
Ông Mai Liêm Trực cho rằng nếu chính sách thuê, mua dịch vụ CNTT được khuyến khích thì đây là một đổi mới rất mạnh về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước, hiện rất tốn kém chi phí đầu tư, quản lý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ các chuyên gia, lãnh đạo DN CNTT sáng 15/4 |
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên bày tỏ cần phải làm sao để tiêu dùng công mở cửa cho phát triển, ứng dụng CNTT (phần cứng, phần mềm, dịch vụ) ở Việt Nam.
“Khi Nhà nước có đặt hàng dài hạn, cam kết hai chiều thì DN CNTT có thể đầu tư lâu dài, giảm giá thành, tăng chất lượng, từ đó tạo được nền tảng vững chắc để phát triển, ứng dụng mạnh mẽ CNTT”, ông Liên nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, một trong những thách thức không nhỏ đối với việc triển khai thuê, mua dịch vụ CNTT là ý chí, quyết tâm thực hiện của người đứng đầu các cơ quan, chính quyền, cũng như cơ chế đầu tư, quản lý trong lĩnh vực CNTT.
“Với cơ chế thuê, mua dịch vụ, chúng ta vừa chấm dứt được tình trạng chạy đua về đầu tư hạ tầng CNTT, vừa tạo ra thị trường quy mô lớn không chỉ cho DN CNTT (phần cứng, phần mềm) mà cả các viện nghiên cứu thông qua việc tham gia các gói dịch vụ, ứng dụng cụ thể", là ý kiến của ông Thái Quang Vinh, Viện trưởng Viện CNTT (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) .
Nhiều đại biểu cho rằng việc thuê, mua dịch vụ CNTT hoàn toàn có thể được triển khai ở Việt Nam, không tiêu tốn ngân sách Nhà nước song cần có những cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thực hiện dự án đầu tư về CNTT, trích một phần phí thu được từ các dịch vụ công chi trả cho việc thuê, mua dịch vụ CNTT, kinh phí đào tạo sử dụng dịch vụ do DN CNTT cung cấp… Còn trong giai đoạn trước mắt, khuyến nghị của các chuyên gia là cần tập trung triển khai ngay những dịch vụ công thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân như: y tế, xây dựng…
.