Kinh tế xã hội
Phản biện là một giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí rất hiệu quả
(Congannghean.vn)-Tham nhũng, lãng phí trở thành quốc nạn, là giặc nội xâm, là nguy cơ của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Qua những vụ việc được phanh phui cho thấy tham nhũng, lãng phí diễn ra tinh vi ở các lĩnh vực quy hoạch, đề án, dự án, đất đai, mua sắm tài sản, cơ chế chính sách chiếm tỉ trọng khá lớn. Ở các lĩnh vực này nhóm lợi ích đã bày binh, bố trận tinh vi nên khó phát hiện hoặc khi bị phát hiện, xử lý thì việc khắc phục hậu quả về kinh tế rất khó khăn và xót xa là mất cả cán bộ trung cao cấp.
Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Về cơ chế, chính sách: Từ Đại hội Đảng lần thứ X, Đảng ta cũng đã làm rõ vai trò phản biện xã hội nhưng chưa được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách. Ngày 14/2/2014 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ngày 18/9/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Nghệ An. Tuy vậy, đối tượng phản biện theo quy định tại các Quyết định trên đây dễ hiểu nhầm hoặc cố ý hiểu nhầm là chỉ phản biện các chủ trương, chính sách, đề án, dự án lớn liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức. Mặt khác các Quyết định quy định mức độ phản biện và giám định xã hội chỉ là “ lấy ý kiến”.
Ảnh minh họa: Nguồn internet |
Đây rõ ràng là lỗ hổng pháp lý, việc phản biện hay không tùy thuộc vào người, tổ chức có thẩm quyền. Thực tế cho thấy các chủ đầu tư, một số cơ quan quản lý Nhà nước còn né tránh phản biện bởi lẽ phản biện tốt sẽ làm lộ ra những vấn đề khuất tất hoặc do năng lực trình độ tư vấn hoặc đề án, dự án được làm trên cơ sở theo ý của lãnh đạo, thiếu căn cứ khoa học…
Để góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đến lúc cần phải đánh giá thực trạng công tác phản biện và giám định xã hội hiện nay. Tuy đã được hiến định bằng Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217 “ Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội”. Tuy vậy, các văn bản nêu trên chưa quy định rõ ràng đối tượng buộc phải phản biện trước khi phê duyệt hoặc trình cấp trên phê duyệt nhất là các lĩnh vực dễ tham nhũng, lãng phí. Chính vì vậy, phản biện hiện nay đang vẫn là cơ chế “ xin – cho” hoặc “lấy ý kiến”.
Một minh chứng về hiệu quả của phản biện đó là năm 2009 dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được triển khai xây dựng. Dự án có hợp phần di dời dân, tái định cư trong đó xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu sẽ phải di dời 773 hộ, cùng với đó khi mực nước dâng sẽ mất 215 ha đất lúa, toàn bộ cơ sở hạ tầng của xã, gần 4 km quốc lộ 48 đi qua xã Châu Bình… Tổng kinh phí đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt là 899 tỉ đồng. Trung tâm tư vấn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi thuộc Hội Thủy lợi Nghệ An đã đề xuất được Bộ NN&PTNT , UBND tỉnh Nghệ An chấp nhận giao phản biện. Kết quả phản biện được đánh giá cao, mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực đó là đã bảo vệ tách được cơ bản địa bàn xã Châu Bình ra ngoài lòng hồ, đảm bảo được 588 hộ/773 hộ không phải di dời cùng với các cơ sở hạ tầng như trụ sở UBND, trường học các cấp, trạm y tế, 215 ha đất lúa… Về mặt kinh tế giảm được ngân sách đầu tư 252 tỉ đồng, đạt giải đặc biệt khoa học công nghệ Nghệ An, giải 3 cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Có thể nói giá như một số dự án, sự việc xảy ra tham nhũng, lãng phí được phanh phui, điều tra, xét xử vừa qua được phản biện thì đã ngăn chặn được mức độ thiệt hại không đến nỗi như vậy.
Nhìn lại qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đảng ta đã phát động chiến tranh nhân dân trong đó chủ lực là Quân đội nhân dân đã làm nên chiến thắng lịch sử. Vậy thì nay chống giặc nội xâm, nhân dân ta, trong đó MTTQ các cấp và các đoàn thể thành viên, chủ lực là Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các Hội địa phương hoàn toàn có trí tuệ và bản lĩnh làm nên chiến thắng đẩy lùi và xóa bỏ tham nhũng, lãng phí, vấn đề là có cơ chế, chính sách đúng đắn để đưa phản biện vào cuộc sống.
Vậy nên chăng, Luật Phòng chống tham nhũng đã được ban hành, nay có Nghị định của Chính phủ để lấp được lỗ hổng pháp lý ở Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg như đã nêu trên.
Để đảm bảo thành công phản biện cần xuyên suốt quan điểm phản biện không phải là vạch lá tìm sâu mà phản biện sẽ làm minh bạch và trách nhiệm giải trình có hiệu quả. Phản biện phải xuyên suốt nguyên tắc tuân thủ pháp luật, có luận cứ khoa học, có thực tiễn minh chứng.
Có thể nói, phản biện như ngọn đèn pha chiếu vào sự vật, trắng đen đều được phơi bày làm minh bạch hóa các quan hệ xã hội thì nhất định tham nhũng, lãng phí sẽ bị đẩy lùi.
Nguyễn Quang Hòa
Ủy viên ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An