(Congannghean.vn)-Quá trình nổ mìn mở đường lên đỉnh để khai thác đá, do chưa được thẩm định việc cắm mốc ranh giới, đá văng vào khu vực trang trại của người dân, uy hiếp đến tính mạng. Điều đáng nói, dù chưa mở xong đường gom lên đỉnh để khai thác, mỏ đá này vẫn rầm rộ hoạt động ngày đêm.
Báo Công an Nghệ An nhận được đơn của 8 hộ dân trú tại xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai tố cáo về việc mỏ đá của Nhà máy xi măng Tân Thắng đóng trên địa bàn, nổ mìn làm đá văng vào khu vực sản xuất, nhà ở và đá tràn xuống hủy hoại tài sản của các hộ dân nhưng không được đền bù thỏa đáng.
Mỏ đá Kim Giao của Công ty CP Xi măng Tân Thắng đang khai thác rầm rộ dù đường cắt đỉnh chưa mở xong. |
Theo đơn, các hộ dân này có đất sản xuất tại các thửa số 02 và 03, tờ bản đồ số 1, ở khu vực đồng Bãi Tập, lèn Răng Cưa, cạnh núi Kim Giao do UBND xã Quỳnh Vinh quản lý. Trong suốt nhiều năm qua, các hộ dân này sản xuất ổn định, trồng các loại cây như keo, bạch đàn, sắn… Trong số này, hộ ông Nguyễn Xuân Quỳnh đã xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt từ năm 1990 đến nay, vị trí cách núi Kim Giao khoảng 300m.
Từ khoảng tháng 5/2020, cán bộ nhân viên Công ty CP Xi măng Tân Thắng trong quá trình nổ mìn, mở đường lên đỉnh núi Kim Giao để khai thác đá, đã làm đá rơi vung vãi xuống khu vực sản xuất nói trên của các hộ dân, gây thiệt hại cây cối, hoa màu nhưng không có ý định thương lượng hay bồi thường cho các hộ dân. Đến ngày 30/8, các hộ dân đã trực tiếp gặp phía nhà máy để yêu cầu trách nhiệm, đồng thời ngừng việc nổ mìn, nếu tiếp tục phải lập hồ sơ bồi thường, cắm mốc hành lang an toàn cho cây trồng, vật nuôi và người xung quanh nhưng phía Công ty không hợp tác.
Quá trình nổ mìn, đá rơi xuống ảnh hưởng hoa màu của người dân phía dưới. |
Những viên đá nặng 3-5kg văng vương vãi khắp nơi quanh khu vực nổ mìn. |
Nghiêm trọng hơn, ông Nguyễn Xuân Quỳnh 2 lần đang ngồi ăn cơm trong trang trại, bị mìn nổ đá văng bay qua đầu. Những lần nổ mìn sau đó, nhân viên của Công ty CP Xi măng Tân Thắng đều đến gặp ông Quỳnh để bảo ông này lánh đi chỗ khác. Hậu quả của những lần nổ mìn này là, đá văng vương vãi khắp nơi. Đầu tháng 1/2021, chúng tôi có mặt tại khu vực này và chỉ trong một thời gian rất ngắn, không khó để nhặt được rất nhiều viên đá đang rơi vãi trong trang trại của ông Quỳnh cũng như trên con đường độc đạo dẫn vào khu vực sản xuất này.
Người dân sinh sống cách vị trí nổ mìn 300m vẫn nhặt được rất nhiều đá văng vào vườn. |
Ngày 10/8/2020, các hộ dân gửi đơn cầu cứu đến UBND xã Quỳnh Vinh và TX Hoàng Mai nhưng không được quan tâm, giải quyết, bất luận chính quyền TX Hoàng Mai đã có công văn hứa sẽ giải quyết trước ngày 20/9/2020. Cực chẳng đã, các hộ dân này tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 9/10/2020, UBND tỉnh có Công văn số 7013 gửi Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, giao sở này chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan xử lý nội dung công dân phản ánh, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý vụ việc theo đúng quy định. Quá trình xử lý sự việc, ngày 27/10/2020, Công ty CP Xi măng Tân Thắng có Công văn số 205 giải quyết vướng mắc với các hộ dân có đơn tố cáo. Nội dung công văn cho rằng, trong quá trình thi công tuyến đường mở mỏ đá vôi Kim Giao đoạn từ Km-320 đến Km0-400 vách dựng đứng, công tác nổ mìn phá đá làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng keo, bạch đàn của các hộ dân phía dưới chân núi. Ngày 26/10/2020, Công ty CP Xi măng Tân Thắng đã trực tiếp làm việc với 5 hộ dân nói trên, các hộ đồng ý rút đơn kiện từ 30 - 50 ngày để Công ty thực hiện thỏa thuận bồi thường với các hộ dân. Nhận được Công văn này, Sở Công Thương Nghệ An ngày 27/10/2020 đã ban hành Công văn số 1806, báo cáo UBND tỉnh cho rằng, các hộ dân đã rút đơn nên không tham mưu, xử lý vụ việc, cũng không thông tin lại sự việc cho người dân được biết.
Ông Quỳnh diễn tả lại sự việc ông đang ngồi ăn cơm thì bị hòn đá văng qua mặt. |
Hậu quả là, sau thời hạn nói trên, giữa Công ty CP Xi măng Tân Thắng và các hộ dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, dẫn đến người dân tiếp tục đâm đơn cầu cứu cơ quan chức năng và báo chí. Ông Vũ Lê Hùng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho biết, khu vực bị ảnh hưởng là khu vực sản xuất, không phải nhà ở. Tuy nhiên, phía công ty cũng cần phải làm trích đo để đền bù cho dân. Ông Hùng cho biết thêm, xã có nhận được đơn của các hộ dân, đang trong quá trình giải quyết thì công dân gửi đơn vượt cấp nên hiện đang chờ tỉnh xử lý. Trong khi đó, đại diện chính quyền TX Hoàng Mai, mà cụ thể là Phòng Tài nguyên môi trường UBND TX Hoàng Mai thì cho rằng, liên quan đến thiệt hại của người dân hiện nay Ban tiếp công dân cũng như Sở Công thương đã vào cuộc làm việc với nhà máy. Trong khi thẩm quyền quản lý nổ mìn thì do Phòng Quản lý đô thị của Thị xã và Sở Công thương phụ trách.
Suýt chết nên phải ghi lên tưởng nhà để ghi nhớ và làm bằng chứng. |
Ông Võ Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Công Thương Nghệ An giải thích, ngay sau khi nhận được văn bản của Tỉnh giao trách nhiệm, thì phía Sở Công Thương nhận được báo cáo của Công ty về việc người dân đã rút đơn. Cho rằng, người dân đã không còn khiếu nại nên Thanh tra Sở Công Thương không trực tiếp xác minh, làm việc tại cơ sở mà báo cáo lại sự việc dựa trên văn bản nói trên của doanh nghiệp. Đến nay, Sở Công Thương chưa nhận được đơn khiếu nại trở lại của công dân nên chưa vào cuộc, chờ đến khi công dân có ý kiến. Ông Tuấn cũng thừa nhận, mỏ đá Kim Giao của Nhà máy Xi măng Tân Thắng vừa mới đưa vào khai thác nên Sở này cũng chưa tiến hành kiểm tra định kỳ theo quy định.
Một tấm biển cảnh báo nổ mìn sơ sài, thủng lỗ chỗ được dựng lên… |
Trao đổi qua điện thoại, một người tên Hoàng, xưng là đại diện cho phía Nhà máy Xi măng Tân Thắng, cho biết, phía Nhà máy đã báo cáo sự việc với Sở Công Thương. Đối với chỗ người dân khiếu nại, nếu đưa vào quy hoạch đền bù, cộng với chuyển đổi quy hoạch sẽ mất thời gian nên bên xi măng Tân Thắng đang thỏa thuận đền bù cá nhân. Có một số hộ dân đã đồng ý thỏa thuận và nhận tiền, còn 3 hộ dân khác chưa thỏa thuận được.
Dù phía dưới khu vực nổ mìn là đất sản xuất của người dân, phía Nhà máy Xi măng Tân Thắng vẫn cho nổ mìn, phá đá mở đường. |
Về vấn đề cắm mốc thực địa để khoanh vùng được phép nổ mìn, người này thừa nhận đã cắm mốc nhưng đang chờ nghiệm thu, tức là chưa được nghiệm thu, nhưng phía Nhà máy vẫn nổ mìn. Đại diện Nhà máy Xi măng Tân Thắng cũng thừa nhận, phương pháp khai thác hiện nay là chưa đúng quy trình, đang làm đường lên đỉnh để cắt đỉnh thì gặp sự cố đá văng làm ảnh hưởng các hộ dân nên đã phải dừng lại hơn 3 tháng nay. Dù vậy, theo quan sát tại hiện trường, mỏ đá Kim Giao vẫn hoạt động rầm rộ ngày đêm, xe tải nối đuôi nhau “ăn đá” đến băng chuyền để chuyển nguyên liệu về nhà máy. Vấn đề này, chính quyền thị xã Hoàng Mai và cơ quan chức năng gồm Sở Công Thương, Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An có biết?
Báo Công an Nghệ An sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này.