Kinh tế xã hội

Hiệu quả công tác khuyến công, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

09:12, 23/11/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia và Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, những năm qua, việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những đổi thay rõ rệt trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề; góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
 
Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia và Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hành động Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. 
Thông qua hoạt động khuyến công, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp được nâng cao
Thông qua hoạt động khuyến công, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp được nâng cao
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí hoạt động khuyến công hỗ trợ gần 39 tỉ đồng. Trong đó, cấp huyện trích hỗ trợ 2,250 tỉ đồng, chiếm 5,77%; tỉnh hỗ trợ 417 đề án với kinh phí 22 tỉ đồng, chiếm 56,42%; nguồn quốc gia hỗ trợ 35 đề án với kinh phí 14,745 tỉ đồng, chiếm 37,81%. So với giai đoạn 2011 - 2015, nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động khuyến công của tỉnh tăng 11,21%, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tăng 66,26%. Từ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, đặc sản, công nghiệp nông thôn đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc hiện đại và tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả quá trình sản xuất kinh doanh. Các làng nghề, làng có nghề được đầu tư mua sắm thiết bị, công cụ sản xuất. Thông qua hoạt động khuyến công, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp được tăng cường, chất lượng sản phẩm được nâng cao; đặc biệt đã hình thành các mô hình sản xuất công nghiệp tạo nên chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... 
 
Đối với việc triển khai chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như giải pháp “Đầu tư cải tạo hồ điều hoà và hệ thống hút ép bùn trong nước thải để tuần hoàn tái sử dụng nước và nguyên liệu” của Nhà máy sản xuất gạch Granite Trung Đô; giải pháp lắp đặt hệ thống thu hồi và xử lý bụi đã quản lý được chất thải gây ô nhiễm môi trường như nước, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn theo tiêu chuẩn của Nhà nước quy định của Công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Kim Anh (ngành nghề chính là sản xuất thép)… Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp khi áp dụng sản xuất sạch hơn đều giảm được từ 20 - 30% lượng chất thải.
 
Kết quả này tác động tích cực đến lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao tính hiệu quả, bền vững trong sản xuất, kinh doanh… Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, từ kinh phí khuyến công, nhiều hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh Nghệ An với các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng đã được tổ chức. Việc thúc đẩy các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm đã giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tăng cường xúc tiến thương mại; qua đó làm gia tăng chuỗi giá trị và cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hoá, sản phẩm.
 
Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu còn tạo sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, cung ứng và các nhà phân phối, từ đó định hướng sản xuất phù hợp, hình thành chuỗi cung ứng bền vững, hiệu quả. Thông qua các hội nghị giao thương kết nối cung cầu, đến nay, đã có trên 200 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết, từ đó đã hình thành được hơn 100 hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh. 
 
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khuyến công, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa, Sở Công thương cần rà soát, đề xuất hoàn thiện các văn bản về khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm; phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm an toàn, qua đó tạo tiền đề phát triển lâu dài, bền vững hoạt động sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm, hàng hóa theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thùy Dương

Các tin khác