Kinh tế xã hội
Tái cơ cấu nguồn lực tài chính ứng phó với dịch COVID-19
10:06, 18/09/2020 (GMT+7)
Ngày 17/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Y tế và Tài chính thường niên do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức với sự tham gia của nhiều nước như Hàn Quốc, Sri Lanka, Philippines, Indonesia, New Zealand, Nhật Bản...
Đây là Hội nghị được ADB tổ chức hằng năm với các Bộ trưởng và khách mời cấp cao, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn tới phục hồi kinh tế và đời sống người dân. Mục tiêu của hội nghị là chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về và cách ứng phó với COVID-19 từ góc độ y tế và tài chính, cũng như thảo luận về các cách thức để tăng khả năng phục hồi bằng cách tăng cường “Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ toàn cầu” (UHC).
Theo các chuyên gia, COVID-19 là cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Tác động chưa từng có của nó đến tất cả các khía cạnh của xã hội đã dẫn đến những thiệt hại to lớn về đời sống, sinh kế và sự phát triển kinh tế; ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu. Với số ca nhiễm toàn cầu vượt qua con số 24 triệu và đang có chiều hướng tăng đều đặn.
Trên thế giới, đã có nhiều lỗ hổng đáng kể trong an ninh y tế và sự thiếu sẵn sàng đối phó với đại dịch đã lộ ra. Đại dịch cho thấy sự mong manh của hệ thống y tế công trên toàn thế giới và cũng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của an ninh y tế, an ninh và phát triển kinh tế. Sự hỗ trợ của các Bộ trưởng cho UHC sẽ không chỉ giúp việc xây dựng hệ thống y tế phản ứng tốt và có khả năng phục hồi trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, mà còn giúp tạo khuôn khổ để giảm thiểu tác động của những cú sốc bất ngờ trong tương lai.
Các Bộ trưởng Bộ Y tế có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả các nguồn chi chăm sóc sức khỏe và đảm bảo ưu tiên các can thiệp hiệu quả nhất để tăng cường sức khỏe toàn dân; các Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm chung trong việc định hình các chính sách để tài trợ bền vững cho hệ thống y tế và đảm bảo sự phối hợp giữa hai ngành. Qua trao đổi, đại diện ADB đánh giá Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các nước rất mong muốn học tập kinh nghiệm.
Điểm cầu trực tuyến Hàn Quốc. Ảnh:VGP. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng nhận định, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã lan rộng, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Đại diện ADB đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước thành công trong việc ứng phó với dịch COVID-19 và các nước rất mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng của Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng, bình quân 7 tháng là 4,07%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ một số giải pháp về cơ chế tài chính được sử dụng ở Việt Nam để ứng phó với đại dịch COVID-19 trong giai đoạn nguồn thu của Chính phủ giảm.
Điểm cầu Hội nghị tại Việt nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đại diện. Ảnh:VGP. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của y tế dự phòng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn câu nói dân gian của Việt Nam "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Bằng cách so sánh hơn, người Việt Nam từ thời xưa đã khẳng định vai trò to lớn của việc phòng bệnh hơn là chữa bệnh đối với mỗi người.
Đại diện phía Việt Nam tại Hội nghị khẳng định, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn thấp, vì vậy, trong nhận thức và hành động, thực sự coi y tế dự phòng là gốc, là căn bản. Hàng năm đều ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước (NSNN); trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do NSNN bảo đảm là chủ yếu. Khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu do bảo hiểm y tế, người dân và NSNN cùng chi trả.
Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại NSNN trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.
Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tại chỗ. Ngay từ khi thế giới xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Qua đó đã đảm bảo kịp thời nguồn lực cho phòng, chống dịch.
Đồng thời, phát huy truyền thống của dân tộc, trách nhiệm xã hội, ủng hộ và cùng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
“Chính phủ Việt Nam kiên trì thực hiện “mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Bộ Tài chính cũng phối hợp triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng cho người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; thực hiện miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thuế nhập khẩu đối với nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, gồm: khẩu trang y tế; nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế; nước sát trùng, thiết bị cần thiết khác; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu...
Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ động dự phòng mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Y tế và Tài chính các nước với những thế mạnh của mình tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực y tế dự phòng, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm điều trị, nghiên cứu, sản xuất vắc xin và thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng bền vững.
“Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông và đang hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Nguồn: Chinhphu.vn