Kinh tế xã hội
Lắng nghe phản biện
09:37, 21/09/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã được các cấp Nghệ An triển khai rộng khắp, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của nhân dân. Từ những diễn đàn phản biện, nhiều ý kiến, trao đổi của người dân đã được các cấp giải quyết thấu đáo, hợp lý, hợp tình.
Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII chất vấn những vấn đề người dân quan tâm, phản ánh tại kỳ họp |
Trên thực tế, trong quá trình giám sát và phản biện xã hội, các nội dung giám sát và phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đã đóng góp tích cực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nội dung giám sát và phản biện rất đa dạng, tiêu biểu như: Việc thực hiện nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương; chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giám sát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; giám sát quy chế quản lý hoạt động vận tải; thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; giám sát chính sách hỗ trợ nông dân; giám sát chế độ, chính sách cho đoàn viên, hội viên phụ nữ...; phản biện, góp ý các dự thảo đề án, chương trình, kế hoạch để thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ.
Việc lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện cũng rất quan trọng. Theo đó, nội dung giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm và đi vào thực chất, có chiều sâu, thể hiện vai trò và trách nhiệm của MTTQ trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đồng thời, đảm bảo việc ban hành và thực thi các chính sách pháp luật kịp thời, chất lượng và hiệu quả. Từ đó, đã thu hút nhiều cấp, ngành quan tâm và gửi xin ý kiến góp ý, phản biện xã hội của MTTQ đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Chủ động phát hiện, phản ánh những bất cập, hạn chế, thậm chí sai sót, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, giúp cấp ủy, chính quyền điều chỉnh để công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả hơn. Trong 6 tháng đầu năm, MTTQ các cấp đã tổ chức 3.697 cuộc giám sát và phản biện xã hội; cấp huyện giám sát 87 cuộc; góp ý, phản biện 214 dự thảo văn bản; cấp xã giám sát 1.284 cuộc; góp ý, phản biện 2.106 dự thảo văn bản. Các cấp tổ chức 459 cuộc đối thoại, chỉ đạo hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện công tác giám sát, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, thực hiện tốt hơn dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận xã hội.
Bên cạnh đó, việc lắng nghe giải quyết và kiến nghị, đề xuất trong phản biện cũng rất quan trọng. Nếu việc tiếp thu và phản hồi mang tính hình thức, đối phó cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội và làm giảm niềm tin, sự nhiệt huyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phản biện - yếu tố rất cần thiết nuôi dưỡng cho phản biện xã hội. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã có cách làm để chủ động đối thoại với nhân dân, từ đa dạng các hình thức tuyên truyền, tăng cường sâu sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe người dân, nắm bắt kịp thời những khó khăn, kiến nghị của người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện những thiếu sót, bất cập, hạn chế để xử lý và kiến nghị xử lý kịp thời, tạo đồng thuận trong dân. Một số nơi đã quy định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu ý kiến góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với nhân dân; chủ động báo cáo tình hình nhân dân, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp. Công tác giám sát, phản biện xã hội được tổ chức đúng quy trình, từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát đến tổ chức giám sát, phản biện xã hội và kiến nghị, đề xuất.
Có thể thấy, thông qua công tác giám sát đã có tác động tích cực đến công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý và điều hành của chính quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sát với đời sống của nhân dân, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và nhân dân đánh giá cao. Để tiếp tục gia tăng hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, một mặt trách nhiệm công dân của các nhà khoa học, của nhân sĩ trí thức là cần có những tiếng nói phản biện kịp thời một cách đúng đắn, nghiêm túc, xây dựng nhưng về phía chính quyền cần thể hiện sự trân trọng và cầu thị, lắng nghe, chủ động và tích cực giải quyết. Có như vậy mới góp phần thực hiện mục tiêu giám sát, phản biện xã hội, đồng thời, gia tăng và củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp.
TUỆ TRANG