Kinh tế xã hội
Giảm nghèo bền vững từ khơi dậy sức dân
08:57, 30/09/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm qua, công tác giảm nghèo tại Nghệ An đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, thì cần một hướng đi mới trong thời gian tới, cần sự đồng bộ và hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 là 483.404 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 358.139 triệu đồng, nguồn vốn sự nghiệp 125.265 triệu đồng. Tiến độ cấp phát vốn đạt 457.636 triệu đồng, đạt 94,67% (tính đến tháng 9/2020). Doanh số cho vay 9 tháng đầu năm của Ngân hàng chính sách xã hội đạt 2.155 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Có 1.733 hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định 33. Toàn tỉnh có 674.980 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT. Đã có 28.706 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, thu hút tạo việc làm cho 2.115 lao động, 170 lao động được đi xuất khẩu lao động. Ước tính đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3%.
Nhiều năm qua, các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn |
Cũng nhờ các chính sách giảm nghèo, hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất, được đào tạo nghề, giải quyết việc làm… để có thể đảm bảo thoát nghèo. Nhiều địa phương đã triển khai nhiều lớp tập huấn truyền thụ kinh nghiệm, chuyển giao kiến thức, mô hình sản xuất, qua đó cung cấp cho người nghèo kiến thức, kinh nghiệm làm ăn để vươn lên thoát nghèo, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, cách làm ăn cho người nghèo. Có thể thấy rõ, cùng với sự chung tay, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, hiện đại hơn, đời sống của người dân đã được cải thiện. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua các cuộc vận động và ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và Chương trình Tết vì người nghèo, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động được hàng chục tỉ đồng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn làm ăn, từng bước thoát được đói nghèo, vươn lên có “của ăn của để”.
Tuy nhiên, có một thực tế là công tác giảm nghèo tại Nghệ An, nhất là khu vực miền núi chưa thật sự bền vững. Thu nhập bình quân của người dân khu vực dân tộc thiểu số trong năm chỉ đạt hơn 29 triệu đồng, bằng 67% bình quân chung cả tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo khu vực này vẫn nằm ở mức 11,22%, chiếm đến 66,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Vì thế, yêu cầu về việc tiến hành rà soát, tổng kết từ thực tiễn giảm nghèo tại Nghệ An là rất cần thiết. Bởi thông qua việc tổng kết các chuyên đề giảm nghèo trên địa bàn tỉnh để rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các nguyên tắc, chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện các chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030; nhân rộng những mô hình hiệu quả, đồng thời tiến hành chuyển đổi mô hình kém hiệu quả. Đối với người già, người bệnh tật thì không thể xóa nghèo vì họ không có sức lao động mà chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Riêng đối với đối tượng trong độ tuổi lao động, chính quyền địa phương cần tích cực xóa nghèo bằng cách mở lớp đào tạo nghề hàn, mộc, điện tử, thú y, chăn nuôi… để họ đi học nghề. Như vậy mới tránh tâm lý ỷ lại vào chính sách và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp trong công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, Nghệ An cần thực hiện tốt công tác thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào những vùng có điều kiện nhưng kinh tế còn chậm phát triển, tỉ lệ hộ nghèo còn cao để tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho người lao động và nhân dân. Song song với chính sách chung của tỉnh, mỗi địa phương cần chủ động, sáng tạo tìm ra cách thức, phương pháp giảm nghèo hiệu quả.
Cũng phải thừa nhận một thực tế, điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, bão lũ; phong tục và trình độ dân trí còn hạn chế nên quá trình thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn. Nghệ An nằm trong vùng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bão lụt, dịch bệnh thường xảy ra cho nên một số hộ vừa thoát nghèo năm trước, năm sau bị thiên tai, bão lụt lại tái nghèo trở lại. Tuy nhiên, điều kiện khách quan chỉ là một phần, quan trọng nhất là khơi dậy vào tạo cơ hội để người dân có ý thức và vươn lên thoát nghèo bền vững. Chỉ khi chính bà con là chủ thể của các chương trình giảm nghèo bền vững thì hiệu quả mang lại mới tích cực và chuyển biến rõ rệt.
TUỆ TRANG