Kinh tế xã hội

Dự án 'di dân khẩn cấp' không còn khẩn cấp

08:17, 27/09/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dự án tái định cư, di dân khẩn cấp cho 56 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và các hộ gia đình không có đất ở, đất sản xuất vào nơi ở mới được triển khai tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông. Tuy nhiên, đến nay sau gần 10 năm mục tiêu dự án chưa hoàn thành, toàn bộ khu vực dự án triển khai vẫn là bãi đất hoang với nhiều hạng mục công trình dang dở. 

Khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương có tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng, nay cũng chỉ là          khu đất hoang hóa
Khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương có tổng mức đầu tư hơn 86 tỉ đồng, nay cũng chỉ là khu đất hoang hóa
Theo tìm hiểu của phóng viên, “Dự án Bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở và đặc biệt khó khăn xã Lạng Khê” được thực hiện theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2012 và Quyết định số 2085/QĐ- TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án được triển khai xây dựng vào năm 2011, tại Lạng Khê, huyện Con Cuông với tổng mức đầu tư hơn 63,5 tỉ đồng.  Mục tiêu bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở và đặc biệt khó khăn xã Lạng Khê: Xây dựng các cơ sở hạ tầng đồng bộ để đưa 56 hộ dân tại vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và các hộ gia đình không có đất ở, đất sản xuất vào nơi ở mới. Do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư. 
 
Theo quyết định phê duyệt đầu tư, dự án sẽ triển khai các hạng mục: San nền khu (TĐC) (tái định cư), xây dựng hệ thống điện, đường từ Quốc lộ 7A vào khu TĐC và đường nội vùng khu TĐC, trường mầm non, trạm y tế và hệ thống nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cũng như nhà văn hóa cộng đồng. Nguồn vốn được lấy từ vốn ngân sách TW đầu tư có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm. Vốn lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn (Chương trình 135, Định canh định cư 33…) và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương. Ngoài ra còn vay ngân hàng để phát triển sản xuất và huy động đóng góp của nhân dân vùng dự án.
Dự án TĐC di dân khẩn cấp tại xã Lạng Khê,                     huyện Con Cuông đã giải ngân hơn 18 tỉ đồng,                   nay vẫn chỉ là bãi đất hoang
Dự án TĐC di dân khẩn cấp tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã giải ngân hơn 18 tỉ đồng, nay vẫn chỉ là bãi đất hoang
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2011 đến nay, tổng vốn bố trí từ các cấp dành cho dự án là 18,2 tỉ đồng. Trong đó, chủ đầu tư đã chi 15 tỉ đồng cho các hạng mục xây dựng đã hoàn thành như san lấp mặt bằng cho 40 hộ dân; mở thông tuyến đường giao thông nối QL7A vào khu TĐC; làm đường giao thông khu TĐC... Ngoài ra, dự án cũng đã thi công một số hạng mục công trình khác, như: Cống qua đường, mương thoát nước 2 bên đường... Số tiền 3,2 tỉ đồng còn lại chi cho các công việc khác có liên quan.  Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn từ tỉnh và Trung ương chưa tiếp tục bố trí nên dự án dừng lại rồi bỏ hoang đến bây giờ.  
 
Người dân trên địa bàn cho biết, giai đoạn ban đầu, máy móc và công nhân rầm rộ làm việc, nhưng chỉ một thời gian ngắn bỗng dưng tạm dừng, máy móc rút ra khỏi công trường và không còn thấy trở lại. Trong khi đó nhiều hộ dân thuộc diện được di dời đến khu TĐC đang háo hức mong chờ thì trở nên thất vọng, vỡ mộng vì dự án dở dang và chưa biết khi nào mới khởi động lại.
 
Quá trình “thực mục sở thị” dự án này chúng tôi quan sát thấy, tuyến đường nối từ QL7 vào khu TĐC đã được san ủi tạo mặt bằng, đã thông tuyến. Tuy nhiên, do thời gian dự án kéo dài quá lâu, tuyến đường chưa hoàn thiện nên có nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại một số vị trí, nước chảy gây xói mòn thành những rãnh, hố ăn sâu vào gần giữa lòng đường... Tại khu vực san mặt bằng cho các hộ dân TĐC chưa hoàn thành, có nhiều hố nước nằm rải rác giữa các đồi đất đá lởm chởm. Cả bãi đất, cỏ cây mọc um tùm, hoang tàn và tiêu điều... Một khu vực bỏ trống, chỉ có đám trâu, bò của người dân bản qua lại. Phía trên taluy dương được đổ những dãy bê tông chống nước, do lâu ngày nên cỏ cây và đất đá đang dần vùi lấp.
 
Bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết: “Dự án đã được đầu tư khá nhiều tiền, hệ thống đường và mặt bằng nhà ở đã được làm nhưng chưa hoàn thiện đã phải dừng lại. Chính quyền địa phương và các hộ thuộc diện TĐC rất mong muốn dự án được khởi động trở lại, đáp ứng nguyện vọng của người dân”.
Mong ước của người dân vạn chài được về                 khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy vẫn còn xa vời
Mong ước của người dân vạn chài được về khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy vẫn còn xa vời
Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cho biết: “Dự án TĐC xã Lạng Khê đang làm dở nhưng do thiếu vốn nên phải tạm dừng. Vừa qua, UBND huyện cũng báo cáo với Sở Kế hoạch Đầu tư để tỉnh triển khai và đảm bảo công trình, đưa dân đến ở. Hiện nay mới chỉ làm được một ít hạ tầng. Dự án di dân khẩn cấp mà 10 năm nay chưa di dân được”.
 
Qua tìm hiểu sự việc thấy rằng, “Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở và đặc biệt khó khăn xã Lạng Khê” huyện Con Cuông là niềm mong mỏi của các hộ dân thuộc diện TĐC. Đến nay dự án cũng đã giải ngân gần 1/3 tổng số vốn theo phê duyệt đầu tư, triển khai được một số hạng mục công trình thì phải dừng lại, do thiếu vốn. Đề nghị các cấp, ngành có liên quan và chủ đầu tư cần đánh giá lại dự án này, từ đó có giải pháp phù hợp, tránh lãng phí số vốn đã đầu tư và quan trọng hơn là đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.
 
Tìm hiểu của phóng viên được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khá nhiều dự án “tái định cư, di dân khẩn cấp” nhưng triển khai một thời gian với số vốn hàng chục, thậm chí gần cả trăm tỉ đồng nhưng sau đó thì bỏ hoang cho đến nay với một điệp khúc “thiếu vốn”. Điều này đã gây ra một sự lãng phí quá lớn về vốn đầu tư cũng như đất đai, mặt bằng dự án để hoang.
 
Tiêu biểu là “Dự án Xây dựng mẫu các khu TĐC cho hộ dân vạn chài trên Sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương” có tổng vốn 86 tỉ đồng, được khởi công xây dựng năm 2010. Cụ thể, dự án này khởi công xây dựng từ ngày 7/5/2010, do một doanh nghiệp ở Hà Nội trực tiếp thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 74 tỉ đồng; sau nhiều lần điều chỉnh được nâng lên 86 tỉ đồng, với mục tiêu chính là xây dựng 2 khu TĐC tại 2 xã Thanh Lâm và Thanh Thủy (Thanh Chương), thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống để đưa 165 hộ đồng bào vạn chài, tập trung nhiều nhất ở xóm Vận Tải (xã Võ Liệt), xóm Giang Thủy (xã Thanh Giang), số còn lại nằm rải rác ở các xã Phong Thịnh, Thanh Hà, Thanh Yên... lên sống định cư, ổn định sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên đến nay, dự án này đang là một bãi đất hoang cây cỏ mọc um tùm giữa rừng.
 
Hay như dự án “Di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên Hợp” cũng được khởi công từ năm 2011. Mục tiêu của dự án là di dân TĐC ổn định cuộc sống cho 73 hộ dân với tổng mức đầu tư là 36,347 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó do khó khăn về nguồn vốn nên số tiến đầu tư bị cắt giảm còn 17,4 tỉ đồng để thực hiện giai đoạn 1. Đến nay, dự án này cũng chỉ thực hiện được theo kiểu nửa vời và phải đóng dự án vì thiếu vốn.
 
Thực trạng trên cho thấy, triển khai đồng loại các dự án nhưng không bố trí được nguồn vốn đầy đủ nên các dự án phải dừng lại, gây nên lãng phí rất lớn.

Đ. Thắng

Các tin khác