Kinh tế xã hội

Thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp thông qua đối thoại, thương lượng, thảo thuận

07:00, 10/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Tỉnh ủy; kế hoạch của UBND tỉnh về cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết của BCH Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 220 thực hiện chế độ, chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động, tạo sự đồng thuận cao.
Thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp thông qua đối thoại, thương lượng                   và thỏa thuận theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích chung sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế            gắn với tiến bộ, công bằng xã hội
Thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích chung sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội
Trên thực tế, việc xây dựng quan hệ lao động đảm bảo hài hòa, ổn định và tiến bộ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động nhằm tạo sự đồng thuận cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo ổn định trật tự trị an tại doanh nghiệp. 
 
Theo đó, việc thực hiện chế độ chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp là cơ sở để tổ chức đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, để đạt được kết quả trên, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước; giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức đại diện người lao động và các tổ chức đại diện doanh nghiệp; giữa tổ chức đại diện người lao động với chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.    
                
UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan; UBND cấp huyện tập trung quán triệt, phổ biến thông tin tuyên truyền chính sách cải cách tiền lương, các quy định về chế độ tiền lương thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Đồng thời, tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ sử dụng lao động về các quy định pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội…; tọa đàm trao đổi, hội nghị đối thoại giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương của các doanh nghiệp…
 
Đối với công đoàn các cấp - tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở về kỹ năng tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, nghiệp vụ giám sát liên quan đến chế độ, chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp; cũng như khả năng tập hợp, phản ánh và giải quyết kịp thời các vướng mắc, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và chủ sử dụng lao động.
 
Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong các loại hình doanh nghiệp; hướng dẫn việc thực hiện chế độ tiền lương thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận trong các doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Sở Tư pháp hỗ trợ pháp lý về các vấn đề pháp luật trong các lĩnh vực: Tiền lương, thuế, hợp đồng, môi trường, giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, pháp luật đầu tư và chính sách đầu tư của tỉnh, các văn bản pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp và người lao động, các chính sách vốn và hỗ trợ lãi suất… Các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan; UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc và vi phạm các quy định của pháp luật về tiền lương.
 
Thực hiện chế độ, chính sách tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp thông qua đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo hài hòa lợi ích của hai bên là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thùy Dương

Các tin khác