Kinh tế xã hội

Thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn

07:45, 05/05/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trên cơ sở rà soát kịch bản tăng trưởng năm 2020 thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), các sản phẩm chủ yếu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ công tác số 01 được thành lập theo Quyết định số 246 của UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 155 chỉ đạo, thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Cần tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất                       nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng,             quy hoạch đã được phê duyệt
Cần tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng, quy hoạch đã được phê duyệt
Trên cơ sở rà soát kịch bản tăng trưởng năm 2020 thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), các sản phẩm chủ yếu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ công tác số 01 được thành lập theo Quyết định số 246 của UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 155 chỉ đạo, thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2020.
 
Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020, theo phương án 1, lĩnh vực NN&PTNT đặt ra chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 4,5 - 5%; duy trì độ che phủ của rừng 58,5%; tỉ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%; 30 xã và 2 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời phấn đấu hoàn thành (phương án 2) đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từ 5 - 5,1% (so với kế hoạch đã giao 4,5 - 5%), số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 36 xã/kế hoạch 30 xã.        
 
Để đạt được mục tiêu trên, Tổ công tác đã đề ra các giải pháp đối với từng lĩnh vực cụ thể. Phương hướng chung là tập trung, thu hút các nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh để phát triển các loại cây, con chủ yếu có lợi thế so sánh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị nông sản. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị xây dựng cụ thể kế hoạch tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác (rau các loại, ngô, mía, cây thức ăn gia súc, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả...) hiệu quả hơn, để tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
 
Liên quan đến ngành chăn nuôi, tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trong đó phát huy tối đa vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp (thông qua liên kết với người chăn nuôi), hiệp hội và hợp tác xã, nhằm kiểm soát tốt hơn về tiêu thụ sản phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp, trang trại; đồng thời, có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn để các trang trại chăn nuôi khôi phục, mở rộng quy mô đàn nuôi, nhất là tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi khi điều kiện cho phép. Công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được tăng cường thực hiện.
 
Về phương hướng phát triển ngành Thủy sản, sẽ phát triển thủy sản toàn diện, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Trong đó chú trọng nuôi trồng theo hướng thâm canh, mở rộng nhanh diện tích nuôi (tôm) ứng dụng công nghệ cao... để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả của các tàu đánh bắt hải sản được hỗ trợ theo Nghị định số 67 ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 17 ngày 2/2/2018  của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 ngày 7/7/2014 của Chính phủ, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có, yêu cầu đặt ra là tập trung đầu tư thâm canh để tăng năng suất gỗ rừng trồng, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ theo hướng chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.                                                                            
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực NN&PTNT, cùng với các giải pháp cụ thể trong từng ngành, phương hướng chung là đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng, quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, mời gọi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã với doanh nghiệp, với thị trường nhằm đẩy nhanh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, tăng nhanh giá trị gia tăng. Về phía các doanh nghiệp đã, đang triển khai các dự án trên địa bàn, cần quan tâm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh. 

Thùy Dương

Các tin khác