Kinh tế xã hội

Nỗ lực 'nước rút' gỡ thẻ vàng

08:22, 27/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khai thác hải sản hợp pháp, an toàn, tạo cơ sở để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu trong (EC) thời gian sớm nhất.
Nhiều ngư dân đã thay đổi thói quen, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình                                             trong khai thác thủy hải sản
Nhiều ngư dân đã thay đổi thói quen, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong khai thác thủy hải sản

Theo kế hoạch, vào đầu tháng 6/2020, EC sẽ tới Việt Nam để kiểm tra việc chấp hành các quy định trong khai thác hải sản. Kết quả đánh giá lần này không chỉ là cơ hội để hải sản Việt Nam chiếm lĩnh lại thị trường châu Âu mà còn khẳng định thương hiệu, thế mạnh của thủy sản nước ta. Trên thực tế, từ sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU vào tháng 5/2017 đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt. Châu Âu là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm qua). Sau 2 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã giảm 6,5% và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Từ vị trí thứ 2, thị trường châu Âu đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% trong bản đồ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Trước đó, vào tháng 6/2018, Đoàn EC sang Việt Nam kiểm tra, yêu cầu tiếp tục khắc phục 4 khuyến nghị: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 đến ngày 5/6/2020, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, thì không những không tháo gỡ được “thẻ vàng”, mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan quản lý về thủy sản, lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển địa phương tăng cường thực thi pháp luật về thủy sản; kịp thời phát hiện ngăn chặn tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhất là tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, đặc biệt là các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hồ sơ xử lý, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt các hành vi được quy định tại Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.
 
Thời gian qua, Nghệ An cũng đã tập trung quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong khai thác an toàn, hợp pháp hải sản. Các địa phương căn cứ đặc thù nghề cá, chủ động xác định các trường hợp có khả năng cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp tuyên truyền, vận động, phòng ngừa sớm; đôn đốc việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá theo quy định; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để phục vụ cho công tác xử lý hành vi khai thác IUU, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Ngày 23/4/2020, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 2485/UBND-NC yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị báo cáo số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thị xã liên quan như Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò triển khai thực hiện các nội dung tại Công văn số 2543/BNN-TCTS ngày 13/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về báo cáo số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
Việc khai thác thủy hải sản đảm bảo, an toàn, hợp pháp không chỉ có tác dụng đối với việc thanh tra của EC mà còn là nền tảng quan trọng để ngư dân làm quen, tiếp cận và hình thành “nếp” tư duy, thói quen mới. Điều đó là rất cần thiết trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay. Lẽ dĩ nhiên, thay đổi lối khai thác cũ, trong khi việc đầu tư, trang bị sẽ còn gặp những khó khăn. Nhưng khi đứng trước sự lựa chọn tiến hoặc lùi, thành công hoặc thất bại, sự thay đổi là điều bắt buộc phải thực hiện.

TUỆ TRANG

Các tin khác