Kinh tế xã hội

Nắng nóng, nguy cơ dịch bệnh gia tăng

08:54, 26/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Cả nước ta đang bước vào thời điểm nắng nóng cao điểm, với nền nhiệt trung bình luôn trên 35oC. Nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là cách hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh
Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là cách hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh
Những ngày này, bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi tăng cao. Thông thường, trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 - 600 bệnh nhân, tuy nhiên, trong thời điểm nắng nóng, lượng bệnh nhân tăng cao, từ 800 - 1.000 bệnh nhân/ngày. Trong đó chủ yếu là các bệnh về hô hấp, tay - chân - miệng… Do thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển dẫn đến các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng, đặc biệt là bệnh cúm sốt virus. Trên thực tế, môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như: sốt do virus, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa. Bởi nắng nóng khiến người già dễ mất nước, mất điện giải, tạo điều kiện cho các bệnh nền có cơ hội tăng nặng, dễ gây đột quỵ. Hoặc nhiều người chọn giải pháp ngồi điều hòa, tránh nắng nóng, nhưng cũng dễ gặp hệ lụy của việc này như khô niêm mạc đường hô hấp, dễ gây các bệnh lý hô hấp, viêm phổi…
 
Phổ biến nhất trong các bệnh mùa hè là sốt virus. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường hô hấp, có thể dễ dàng chữa trị nhưng lại có thể biến chứng nặng do không ít người khi bị bệnh chủ quan cho rằng sốt virus có thể tự khỏi hay tự mua thuốc điều trị tại nhà, bên cạnh đó còn sử dụng cả kháng sinh khiến bệnh ngày càng trầm trọng do dùng sai chỉ định và liều lượng. Tháng 5 và tháng 6 là thời điểm của dịch viêm não Nhật Bản B, căn bệnh gây di chứng nặng nề và tử vong cao. Đây cũng là giai đoạn sinh sôi của muỗi gây sốt xuất huyết. Với người bị bệnh về huyết áp, thời tiết nắng nóng cũng làm tăng nguy cơ biến chứng. Người lao động dưới trời nắng nóng, hoặc tắm sông, tắm biển lúc nắng, nóng cũng có thể bị sốc nhiệt.
 
Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa, còn bệnh cúm đã có vắc-xin nhưng không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, nên việc phòng bệnh cho trẻ phụ thuộc vào ý thức của mỗi gia đình. Theo khuyến cáo từ ngành Y tế, để đối phó với mùa nắng nóng, hiện nay các bậc cha mẹ nên chú ý vấn đề đầu tiên là cho trẻ uống nhiều nước, tránh uống nước đá vì rất dễ gây viêm họng. Người dân hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt với người bệnh tăng huyết áp, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
 
Hiện nay, do ảnh hướng của dịch COVID-19 nên năm học 2019 - 2020 kéo dài hơn. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 7/2020, trẻ mới được nghỉ học. Đây cũng là thời điểm nắng nóng đỉnh điểm nhất tại Nghệ An do có gió phơn Tây Nam hoạt động. Vì thế, các trường học cần xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh; phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phù hợp; liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh. Để tăng cường khả năng miễn dịch, biện pháp chủ động và hiệu quả là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng, chọn mua thực phẩm tươi sạch; không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng; thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh; không ăn tiết canh, gỏi, nem chua, uống nước lã; rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

TUỆ TRANG

Các tin khác