Kinh tế xã hội
Chủ quan phòng dịch, hậu quả khôn lường
09:02, 13/04/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và rất khó nói trước điều gì. Việc chủ động chấp hành các chỉ thị, quy định của chính quyền các cấp và ngành Y tế chính là cách tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh.
Ngày 11/4, tại tuyến đường Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh, theo ghi nhận của phóng viên, một số cửa hàng không phải bán hàng thiết yếu vẫn mở cửa bán hàng. Mặc dù mới là ngày thứ 11 trong thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1818 của UBND tỉnh, song tâm lý chủ quan đã xuất hiện trong một số người dân. Đường phố đi lại đông hơn, tại các chợ dân sinh, bên cạnh đại đa số người dân thực hiện đeo khẩu trang nghiêm túc, vẫn còn những người chưa đeo hoặc đeo không đúng quy định. Tâm lý phớt lờ các quy định trong phòng, chống dịch sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Một số cửa hàng theo quy định không được mở bán nhưng vẫn phớt lờ - Ảnh chụp vào chiều 11/4 tại TP Vinh |
Thời gian qua, Chính phủ và các ngành chức năng, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng vũ trang đã tận tâm, hy sinh thầm lặng để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, mọi nỗ lực sẽ “đổ sông đổ biển” nếu người dân vẫn còn thái độ chủ quan trong phòng dịch. Việt Nam giờ đã chuyển sang giai đoạn 3 với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao. Bằng chứng thời gian vừa qua, đã có rất nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Trong phiên họp Chính phủ ngày 8/4 vừa qua, theo dự báo của Bộ Y tế, tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng, đều phải coi là ổ dịch tiềm năng.
Cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc giá nhấn mạnh phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác, Bộ Quốc phòng vẫn thực hiện diễn tập toàn quân chuẩn bị phương án. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, một số ca bệnh như số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng. Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng. Bởi nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế, khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ "vỡ trận". Việc chủ quan này có thể xuất phát từ tâm lý là vài ngày gần đây số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đang giảm. Trên thực tế, bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu 14 ngày). Sau khoảng thời gian thực hiện hạn chế tiếp xúc giữa người lành với người bệnh thì mầm bệnh của người mắc bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch. Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi, nhất là khi dịch đã lây lan trong cộng đồng. Tại Nghệ An, đến nay vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành đã vào cuộc rất quyết liệt, với những trường hợp vi phạm Chỉ thị 15 và 16 đều bị nhắc nhở, xử lý. Lực lượng chức năng đã phải "căng mình" siết chặt các khu vực công cộng; nhắc nhở, tuyên truyền không để người dân tự ý tập thể dục, tập trung đông người, nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ và có sự tự giác, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cách đây hơn một tháng, nhiều quốc gia Âu Mỹ vẫn còn tâm lý coi thường COVID-19 với những chính sách thả nổi cho lây nhiễm cộng đồng, khuyến cáo người dân đối phó với virus SARS-CoV-2 như với bệnh cúm mùa thông thường, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người nơi công cộng…Và đến những ngày này, các quốc gia trên đã phải trả giá khi số người bị nhiễm tăng cao, số ca tử vong cũng tăng nhanh từng ngày. Mạng người ở đâu cũng là quý giá nhất, sức khỏe con người là điều tối quan trọng. Xót xa, thương cảm nhưng chúng ta phải lấy đó làm bài học để nhắc nhở bản thân và gia đình.
Những ngày đầu thực hiện cách ly, chúng ta đã làm rất quyết liệt, mạnh tay “chống dịch như chống giặc”, các cửa hàng không bán hàng thiết yếu đều đóng cửa, mọi người hạn chế ra đường, mọi người đều có cảm giác như Tết Nguyên đán. Nhờ đó, chúng ta đã đạt kết quả khả quan. Song, nếu chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, chính chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Cái giá đó chính là sức khỏe, sinh mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.
TUỆ TRANG