Kinh tế xã hội
Tạo nội lực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
09:22, 08/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Với địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt như Nghệ An, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch đang là hướng đi trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.
Lễ hội cam Vinh được tổ chức thường niên để quảng bá sản phẩm |
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển chuỗi cửa hàng nông sản sạch, an toàn gắn với hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm cho khu vực hợp tác xã, làng nghề. Mục tiêu Đề án là phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 triển khai xây dựng và phát triển chuỗi mô hình cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch, an toàn nhằm hỗ trợ, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm của HTX, trang trại, làng nghề bảo đảm tiêu chuẩn. Trên thực tế, Nghệ An có nhiều sản phẩm lợi thế của địa phương như cam Vinh, cá thu nướng Cửa Lò, mực khô Quỳnh Lưu và nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền khác nhau.
Với chỉ dẫn địa lý, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, các sản phẩm như cam Vinh, hải sản đã từng bước gây được niềm tin và trở thành lựa chọn của người dân trong và ngoài tỉnh. Tỉnh cũng đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Nhiều công ty, doanh nghiệp lớn tiếp tục chọn Nghệ An để xây dựng và hình thành chuỗi sản phẩm khép kín, vừa góp phần xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân. Đến nay, cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế trong các lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên mới có 49 sản phẩm có đăng ký hoặc công bố tiêu chuẩn chất lượng, 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Nghệ An cũng đang tiếp tục lựa chọn nhiều kênh quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh nhà đến với người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài các hội chợ được tổ chức thường xuyên góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp Nghệ An đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh thường xuyên đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người dân. Vào cuối năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp Big C Vinh tổ chức Tuần lễ cam Vinh và sản phẩm, đặc sản tỉnh Nghệ An tại Hà Nội, quy tụ 90 gian hàng của các HTX và doanh nghiệp. Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức Lễ hội cam Vinh 2019 với chủ đề “Xứ Nghệ những mùa hoa vàng”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lựa chọn Nghệ An tổ chức “Hội chợ nông nghiệp, các sản phẩm OCOP các tỉnh miền Trung, sản phẩm xanh khu vực HTX, làng nghề tỉnh Nghệ An năm 2019”.
Bên cạnh các doanh nghiệp, việc đẩy mạnh liên kết giữa các hợp tác xã và làng nghề góp phần tăng cường khâu kết nối cung cầu. Nghệ An hiện có 157 làng nghề, trên 690 HTX và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng. Nghệ An có trên 500 HTX nông nghiệp, trong đó có 300 HTX sản phẩm hàng hoá, có nhu cầu cao về liên kết chuỗi, do vậy các chuỗi sản phẩm tiêu thụ là rất cần thiết. Phát huy vai trò thúc đẩy, kết nối, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị HTX, làng nghề đổi mới sản phẩm, gắn sản xuất với đảm bảo môi trường, liên doanh, liên kết với các siêu thị, cửa hàng…, góp phần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nghệ An đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu, sản phẩm đa dạng ở tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản như vùng nguyên liệu chè, cao su , lạc, sắn... Nghệ An cũng đã đặt ra mục tiêu xây dựng 4 vùng nguyên liệu phát triển chuỗi giá trị.
Vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn ở Vinh, Cửa Lò (rau an toàn, trứng gà). Vùng sản xuất nguyên liệu thô cho chế biến thực phẩm, xuất khẩu: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai (lạc, vừng, gạo); vùng chiến lược thúc đẩy sản xuất nông sản có giá trị gia tăng cao: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, TX Thái Hòa và vùng thúc đẩy sản xuất nông sản đặc dụng: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu (gừng, tỏi, cây ăn quả, chè, bò mông, lợn đen, gà đen). Ngày 22/11/2019, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm công nghiệp - làng nghề; Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây là cơ hội để tăng cường sự kết nối lâu dài với mục tiêu tạo mối gắn kết bền vững, lâu dài giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, tạo các chuỗi cung ứng hàng hoá hiệu quả.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản. Chính trong hoàn cảnh này, việc sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường sẽ là lựa chọn hàng đầu với người tiêu dùng. Vì thế, dù còn những hạn chế và tồn tại trên bước đường phát triển ngành Nông nghiệp sạch, hiệu quả, Nghệ An rất cần huy động mọi nguồn lực, nhất là nội lực trong nhân dân để đẩy mạnh, phát triển tiêu thụ nông nghiệp.
TUỆ TRANG