Thứ Ba, 14/01/2020, 07:57 [GMT+7]

Nhiều dự án ngành nông nghiệp không phát huy hiệu quả

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, đã có nhiều dự án đầu tư cho ngành nông nghiệp nhưng không phát huy hiệu quả, một số dự án chậm tiến độ, nhiều dự án khác bất cập trong thiết kế, thi công dẫn đến khi đưa vào sử dụng gặp khó khăn.
 
Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (Dự án JICA 2) trên địa bàn huyện Đô Lương có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 4.390 tỉ đồng, được thực hiện từ năm 2013 nhằm bảo đảm tưới 27.656 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho 900.000 nhân khẩu tại các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai.
Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 sau 10 năm được phê duyệt
Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 sau 10 năm được phê duyệt
Sau nhiều năm chậm tiến độ, từ cuối năm 2018, dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dự án này lại xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập gây khó khăn trong công tác vận hành như đường kênh dẫn cao hơn đường, trạm bơm công suất không đủ khiến dân phải “chế” thêm một máy bơm bổ sung. Đơn cử, tại trạm bơm xã Thái Sơn, quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra móng của trạm bơm này đã bị nứt nẻ, nhiều vết nứt lớn đến mức có thể cho cả bàn tay vào. Cũng tại trạm bơm này, do máy bơm của dự án có công suất thấp nên nước chảy rất yếu. Để khắc phục, người dân đã tự lắp thêm một máy bơm cũ vào để hoạt động đủ công suất. Cũng theo người dân, dự án mới xây dựng mương dẫn nước nhỏ hơn kênh mương cũ nên nước chảy ít hơn, chậm hơn. Tại xã Hiến Sơn, dự án làm ảnh hưởng đến một số hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. Trong khi đó, tại địa bàn xã Mỹ Sơn, người dân cho rằng một số bất cập là bể hút chưa có kè chống sạt lở, tại xã Tân Sơn lòng kênh hẹp cao độ dốc không phù hợp nên nước đầu tuyến tràn qua đường, nước cuối tuyến yếu, ảnh hưởng đến việc cấp nước.
 
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 nằm trên địa bàn xã Tân Thắng, được đầu tư 227,8 tỉ đồng, trong đó xây lắp hết khoảng 100 tỉ đồng, hơn 110 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nghệ An làm chủ đầu tư, được phê duyệt ngày 11/6/2009, khởi công năm 2010. Đến nay, Dự án vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, thậm chí còn gây lãng phí khi không thể tích nước vì thiếu vốn đền bù, dẫn đến người dân vẫn tăng gia, sản xuất ngay chính trong lòng hồ. Đến thời điểm hiện nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành đập phụ 1 và 2, cống lấy nước đường quản lý, đường điện, tràn xả lũ. Cầu Khe Lại đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Công tác GPMB đã được đền bù tổng diện tích 86 ha, với số tiền hơn 110 tỉ đồng, tổng số tiền đã được giải ngân xây dựng và đền bù là 209 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thể đóng các cửa xả nước để tích nước. Dự án đã dừng lại gần 2 năm nay không thực hiện thêm hạng mục nào, cơ sở vật chất đã được xây dựng nằm phơi sương cùng tuế nguyệt.
 
Theo báo cáo của Ban QLDA Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1, để thực hiện hoàn thành và phát huy hiệu quả, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Theo nhà đầu tư, nguyên nhân dẫn đến việc bị đội vốn là do quá trình khảo sát ban đầu diện tích đất khu vực lòng hồ trước kia chưa sát với thực tế. Hiện nay, để thực hiện tiếp và tích nước như mục tiêu Dự án đề ra thì khái toán số vốn cần phải có khoảng 368 tỉ đồng. Như vậy, được xếp vào nhóm công trình thủy lợi trọng điểm cần tập trung đẩy nhanh tiến độ vượt lũ, nhưng sau 10 năm thực hiện, Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 không những không phát huy được hiệu quả mà hiện đang nằm “đắp chiếu”.
 
Được biết, thời gian vừa qua trên địa bàn Nghệ An, đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào nhiều công trình thủy lợi, trọng điểm nhưng hoặc bị chậm tiến độ, hoặc không phát huy được hiệu quả. Thậm chí, một số dự án bị chính quyền địa phương (chủ đầu tư) và nhà thầu “làm xiếc” để rút ruột ngân sách. Cụ thể, theo Báo cáo số 1378 CV. SNN-PTNN của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An thì năm 2018, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng thiết yếu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, ngày 18/7/2019, UBND Nghệ An có Quyết định số 2713/QĐ-UBND giải quyết kinh phí sửa chữa 93 công trình thiết yếu trước mùa mưa lũ 2019, trích từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh với tổng số tiền hơn 38 tỉ đồng, giao UBND các huyện, thị xã, TP Vinh và một số đơn vị quản lý các công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư.
 
Biên bản thẩm định của Đoàn liên ngành Công trình cầu Tràn Đồng, xóm 15B, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc có hiện trạng mưa lớn gây sạt lở, đổ sập, đề nghị biện pháp khắc phục sửa chữa lại tràn cầu. Công trình này đã được UBND Nghệ An phê duyệt đầu tư sửa chữa với giá trị 300 triệu đồng theo đề nghị của Sở NN&PTNT. Tuy nhiên, trên thực tế, cầu Tràn Đồng xóm 15B chỉ phục vụ cho việc đi làm đồng của người dân chứ không phải là tràn qua đường dân sinh, mặt khác tràn chưa hư hỏng, sập đổ như báo cáo của Sở NN&PTNT.
 
Tương tự, Đập thủy lợi Khe Ngang tại xóm 2, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, do UBND huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư được xây dựng để tích nước tưới cho hơn 30 ha lúa ở xã. Sau khi đầu tư khoảng 14 tỉ đồng, hoàn thành xong, dự án không phát huy tác dụng, đáy đập bị rò rỉ, không tích trữ được nước.
.

THIỆN THÀNH

.