Thứ Năm, 27/02/2020, 09:27 [GMT+7]

Tăng cường xử lý dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên địa bàn tỉnh

(Congannghean.vn)-Tính đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 10 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố nước ta gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh và Nghệ An, với tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy lên đến hàng chục nghìn con. Riêng Nghệ An đã phát hiện ổ dịch tại 4 xã của huyện Quỳnh Lưu, số lượng tiêu hủy hơn 1.000 con gia cầm. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa dừng lại bởi tình trạng chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia cầm đang còn nhiều diễn biến phức tạp.

Số lượng lớn gia cầm có dấu hiệu nhiễm bệnh bị lực lượng chức năng phát hiện,  thu giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ
Số lượng lớn gia cầm có dấu hiệu nhiễm bệnh bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ
Bất cập từ việc chăn nuôi
 
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 24 triệu con gia cầm được phân bố tại các huyện với nhiều trang trại lớn và một số hộ nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp còn rất ít, phần lớn các trang trại này không có hệ thống xử lý chất thải, thường đổ trực tiếp ra môi trường. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn người dân ngộ nhận cho rằng, dịch chỉ xuất hiện ở những nơi nuôi nhốt tập trung theo kiểu trang trại và sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, còn với các loại gia cầm chăn nuôi kiểu truyền thống (thả rông) thì không bị bệnh dịch. Đặc biệt, là việc người dân chăn thả gia cầm trên các đồng ruộng, ao hồ, sông suối. Chính vì điều đó, dịch bệnh có thể lây lan từ vùng này qua vùng khác theo con kênh, dòng nước. 
 
Ông Lê Đình Huệ, Phó Chi trưởng Chi cục Thú y vùng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Trước mắt cần rà soát lại những trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có đánh giá vệ sinh môi trường và khai báo số lượng chăn nuôi tại địa phương mình. Về mặt chuyên môn phải có hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục trong quá trình hoạt động chăn nuôi, có quy định kiểm tra định kỳ và tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt các khâu trên thì khi xảy ra dịch sẽ rất lúng túng”.
 
Bên cạnh đó, việc thời tiết thay đổi, chuyển mùa cũng làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng. Thêm nữa, việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương chưa được triển khai đầy đủ. Bởi, công tác chỉ đạo chống dịch ở một số huyện chưa được quan tâm đúng mức. Còn người chăn nuôi thì luôn thiếu kiến thức, chủ quan về công tác phòng, chống dịch. 
 
Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia cầm nhiễm bệnh
 
Việc vận chuyển gia cầm có những quy định nghiêm ngặt hơn so với các loại hàng thông thường. Bởi, đây là mặt hàng sống, nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể gây ra những hậu quả lớn như lây lan dịch bệnh. Trong khi mỗi ngày số lượng gia cầm được vận chuyển từ nơi chăn nuôi đến chỗ tiêu thụ là không hề nhỏ. Điều đáng lo ngại là số gia cầm trên đã qua kiểm dịch hay chưa. Vừa qua, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn gia cầm có dấu hiệu bệnh đang trên đường vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Số gia cầm được đựng trong 80 thùng cát tông, trong đó, gà 3.600 con, vịt 3.400 con. Toàn bộ gia cầm đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Điều đáng nói, tất cả số gia cầm nói trên đều vận chuyển từ huyện Quỳnh Lưu là nơi xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Nếu không ngăn chặn kịp thời rất có thể nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các địa phương khác là rất cao. 
 Việc chăn nuôi, ấp nở gia cầm chưa qua kiểm dịch  vẫn đang tồn tại nhiều bất cập và khó kiểm soát
Việc chăn nuôi, ấp nở gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn đang tồn tại nhiều bất cập và khó kiểm soát
Bên cạnh hoạt động vận chuyển tràn lan, vấn đề mua bán, giết mổ gia cầm sống tại các khu chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn Nghệ An vẫn diễn ra công khai và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Lâu nay chợ được biết đến là khu vực tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Gia cầm được giết mổ công khai, chất thải sau khi giết mổ xong được đổ trực tiếp xuống nền, cống. Hầu hết các điểm này đều giết mổ gà, vịt ngay tại gian hàng chật hẹp trên lề đường, nơi đông đúc người, xe qua lại. Chưa dừng lại, đây cũng là nơi tiêu thụ các loại gia cầm chưa qua kiểm dịch, thậm chí gia cầm chết. 
 
Lý giải về những tồn tại và bất cập trên, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn rất thiếu các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị tỉnh tìm quỹ đất phù hợp để xây dựng khu giết mổ gia cầm tập trung, qua đó kiểm soát tốt công tác giết mổ gia cầm. Còn về các huyện, chúng tôi cũng chỉ đạo và yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, trong đó tập trung tiêm vắc-xin đàn gia cầm và phun tiêu độc khử trùng trên trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
 
Để ngăn chặn dịch A/H5N6 lây lan, bên cạnh sự vào cuộc, tập trung các giải pháp phòng dịch của các sở, ngành và chính quyền các cấp, các cơ sở chăn nuôi gia cầm cũng cần tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm. Ngành Thú y tỉnh cũng khuyến cáo bà con, nhất là những hộ chăn nuôi cần thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ, tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng, trại và tiêm vắc-xin phòng ngừa. Đặc biệt, khi phát hiện gia cầm chết phải báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhất quyết không mua bán, giết mổ, vứt xác ra các ao hồ, sông suối làm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
.

Hưng Hồ

.