Kinh tế xã hội
Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải
09:31, 17/01/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 2019, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải được ngành Giao thông Vận tải (GTVT) đẩy mạnh thực hiện. Cùng với đó, chú trọng thực hiện cải cách hành chính về lĩnh vực quản lý vận tải, tăng cường áp dụng dịch vụ công cấp độ 3, 4; thường xuyên đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp để giải đáp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Sở GTVT giám sát, điều hành hiệu quả các mặt hoạt động giao thông do Sở quản lý |
Về vận tải đường bộ, năm 2019, Sở GTVT Nghệ An đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô cho 319 đơn vị vận tải với 14.200 phương tiện. Hiện tỉnh có 16 bến xe khách do 4 đơn vị quản lý và khai thác; có 26 đơn vị vận tải với 700 xe khai thác trên 233 tuyến vận tải hành khách cố định, trong đó 184 tuyến ngoại tỉnh (tăng 52 tuyến so với năm 2018), 42 tuyến nội tỉnh (tăng 10 tuyến so với năm 2018) và 7 tuyến liên vận Việt Lào. Trong năm qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình cũng được ngành GTVT thực hiện hiệu quả. Hàng tháng, Sở có văn bản chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, lái xe vi phạm chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình, lái xe quá thời gian quy định...
Cũng trong năm qua, Sở GTVT đã kiểm tra và ban hành quyết định xử lý đối với 840 trường hợp vi phạm. Cụ thể: Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với 6 đơn vị; thu hồi chấp thuận khai thác tuyến cố định đối với 258 phương tiện; thu hồi phù hiệu và không cấp lại trong vòng 6 tháng đối với 17 xe; thu hồi phù hiệu có thời hạn 1 tháng đối với 83 xe; nhắc nhở, chấn chỉnh đối với 740 xe. Về công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử lý đối với 1.725 tổ chức, cá nhân vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 4.035.100.000 đồng (tăng 22,9% so với năm 2018); tước giấy phép lái xe 436 trường hợp; tước giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 72 trường hợp; tước phù hiệu vận tải 18 trường hợp; cắt thành, thùng của 121 phương tiện; tham mưu đình chỉ 1 tuyến xe buýt, 9 phương tiện xe buýt không đảm bảo quy định.
Song song với việc tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý vận tải cũng được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Ngành GTVT đã chủ động đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và tổ chức nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, hiệp hội... để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, Sở GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 qua Hệ thống dịch vụ công của Bộ GTVT và UBND tỉnh; qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Những kết quả nói trên là rất đáng ghi nhận, song theo đề nghị của các đơn vị vận tải, Sở GTVT cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng xe dù, xe hợp đồng mang biển số tỉnh khác hoạt động kinh doanh vận tải ở Nghệ An để đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Cùng với đó, tập trung xử lý các phương tiện đón, trả khách sai điểm quy định; tình trạng xe buýt chạy quá tốc độ, không chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải… Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đức An: Năm 2020, Sở sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh hoạt động vận tải, rà soát thủ tục hành chính, tăng cường thanh, kiểm tra, đảm bảo chất lượng hoạt động vận tải, nhất là xử lý nghiêm tình trạng xe dù, xe hợp đồng vận tải hành khách trá hình, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra một cách toàn diện, đồng bộ như thanh, kiểm tra trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện; kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành các quy định về vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, đặc biệt là về vận tải hành khách tuyến cố định; qua đó, chấn chỉnh và kiên quyết thu hồi cấp phép đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách trên địa bàn không đảm bảo các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, gây ảnh hưởng đến ATGT và ùn tắc giao thông; tăng cường phối hợp với Công an tỉnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải như: Xe chạy quá tốc độ, xe không có phù hiệu…; tổ chức các chuyên đề kiểm tra, phát hiện và chuyển Cơ quan CSĐT xác minh và truy tố đối với các trường hợp in ấn và sử dụng phù hiệu giả…
Thùy Dương