Kinh tế xã hội

Vì sao tiểu thương chợ Chiều thị trấn Tân Kỳ phản đối 'xóa chợ'?

09:58, 26/12/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, UBND thị trấn Tân Kỳ và UBND huyện Tân Kỳ đang tiếp tục vận động các tiểu thương ở chợ Chiều (khối 3, thị trấn Tân Kỳ) ngừng kinh doanh để chuyển vào chợ mới Tân Kỳ, song đến nay nhiều tiểu thương vẫn chưa đồng thuận. Các tiểu thương này cho rằng, chợ Chiều đã có lịch sử hình thành hơn 30 năm, đến nay đang hoạt động tốt, đem lại hiệu quả cho các tiểu thương, việc xóa bỏ chợ là không phù hợp.

Tiểu thương phản đối việc ngừng hoạt động chợ Chiều thị trấn Tân Kỳ
Tiểu thương phản đối việc ngừng hoạt động chợ Chiều thị trấn Tân Kỳ

Tiểu thương muốn giữ chợ

Trao đổi sự việc với phóng viên, nhiều tiểu thương đang buôn bán tại chợ Chiều thị trấn Tân Kỳ cho rằng, chợ mới Tân Kỳ là chợ của tư nhân xây dựng nên giá thuê ốt cao hơn; chợ xây dựng không đúng với thiết kế ban đầu, không thuận lợi cho việc buôn bán; việc bố trí các ki-ốt kinh doanh không hợp lý, diện tích ki-ốt nhỏ....

Bà H., một tiểu thương chuyên buôn bán mặt hàng rau, dưa ở chợ Chiều cho biết: Tôi buôn bán ở chợ Chiều hơn 20 năm, hàng ngày chỉ bán các loại rau, dưa thu nhập không đáng là bao, nay nếu vào chợ mới Tân Kỳ phải đóng số tiền thuê ốt hơn 100 triệu đồng, tôi không biết lấy đâu ra tiền để đóng?

Chị Ng. - một tiểu thương bán rau cho rằng: Trước khi xây dựng chợ Tân Kỳ, những người buôn bán ở đây nghĩ rằng chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng nên ai cũng đồng tình ủng hộ, sau mới biết do tư nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh nên giá thuê ốt cao. Mặt khác, ban đầu chúng tôi được biết chợ có 3 tầng, tầng hầm để xe, tầng tiếp theo dành cho tiểu thương buôn bán các mặt hàng rau quả, thực phẩm, còn tầng 3 kinh doanh đồ vải, đồ điện... Nhưng bây giờ thì họ lại bố trí khác, tầng hầm dành cho buôn bán rau quả, thực phẩm, rất bất tiện cho người đi chợ, khó buôn bán cho tiểu thương.

Qua nhiều lần phản ánh với chính quyền thị trấn Tân Kỳ và UBND huyện Tân Kỳ nhưng không được giải quyết thỏa đáng, các tiểu thương nói trên đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp, ngành UBND tỉnh Nghệ An.

Tại Văn bản số 858-CV/BNCTU ngày 23/9/2019 của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy đã kết luận giao Sở Xây dựng, Sở Công thương kiểm tra, đánh giá việc xây dựng chợ Tân Kỳ và các cơ chế chính sách hợp lý đối với tiểu thương khi chuyển vào chợ mới. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND huyện Tân Kỳ rà roát các nội dung công dân phản ánh và tổ chức đối thoại với công dân. Trước mắt, tiếp tục để chợ truyền thống hoạt động, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân vào chợ mới. Yêu cầu nhà đầu tư có chính sách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi tối đa cho nhân dân.

Chính quyền thị trấn quyết “xóa chợ”

Trao đổi với phóng viên, ông Đậu Trường Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ cho hay, thời gian qua, tại các cuộc họp hội đồng, chính quyền địa phương chịu áp lực rất lớn ý kiến của cử tri về việc chậm thực hiện việc ngừng kinh doanh ở chợ Chiều, không đảm bảo an toàn. Hiện tại, chúng tôi đã phối hợp với nhà đầu tư chợ Tân An có các chính sách hỗ trợ tối đa cho các tiểu thương, tiếp đó sẽ tiến hành ngừng kinh doanh chợ Chiều theo kế hoạch, lộ trình.

Theo lời Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ, hiện có hơn 60 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Chiều. Sau khi có phương án di dời vào chợ mới Tân Kỳ, nhà đầu tư đã cùng địa phương thực hiện kiểm đếm, hỗ trợ cho các tiểu thương (hộ nhiều nhất hỗ trợ 170 triệu đồng, hộ ít nhất 16 triệu đồng), tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng. Ngoài ra, khi vào chợ mới, các tiểu thương còn được hỗ trợ một số chính sách khác như: 2 năm buôn bán không thu phí; hộ mua 2 ốt được hỗ trợ 5 triệu đồng; hộ mua 1 ốt được hỗ trợ 4 triệu đồng; hộ không thường xuyên được hỗ trợ 2 - 3 triệu đồng... Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng để di chuyển đồ đạc... Đến thời điểm này, đã có 8 hộ đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Nằm ở vị trí đắc địa của thị trấn Tân Kỳ, diện tích chợ hơn 7.000 m2; đang hoạt động kinh doanh chợ khoảng trên 3.000 m2. Theo lời Chủ tịch UBND thị trấn Tân Kỳ, sau khi ngừng hoạt động kinh doanh chợ Chiều, khu đất nói trên sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn....

“Quan điểm của chính quyền địa phương là không o ép tiểu thương. Chúng tôi vận động, kêu gọi tiểu thương chấp hành việc ngừng kinh doanh ở chợ Chiều, chuyển sang chợ mới để được hưởng các quyền lợi. Nếu ai không chấp thuận thì tìm chợ khác để buôn bán”, ông Đậu Trường Sơn khẳng định.

Qua tìm hiểu sự việc chúng tôi thấy rằng, những ý kiến phản ánh của các tiểu thương chợ Chiều thị trấn Tân Kỳ và quan điểm của chính quyền thị trấn đều có những lý do riêng. Tuy nhiên, để thực hiện được dự án mới trên khu đất chợ Chiều thị trấn Tân Kỳ, rất cần tiếng nói đồng thuận giữa chính quyền và các tiểu thương, không để phát sinh “điểm nóng”, gây phức tạp tình hình ANTT tại địa phương.

Đ.Thắng

Các tin khác