Kinh tế xã hội
Lợi ích kép giữa đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội
(Congannghean.vn)-Song hành việc đào tạo nghề với nhu cầu xã hội đang trở thành hướng đi trọng tâm của nhiều trường trên địa bàn. Thực tiễn đã chứng minh, việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ quan đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực hành tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn khi được đào tạo nghề |
Hướng đi mở
Ngày 1/11/2019, tại Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An đã diễn ra “Lễ khai giảng lớp cao đẳng chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức”. Theo Quyết định số 934/QĐ-LĐTBXH ngày 18/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt kế hoạch và quy định để tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông báo về việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ CHLB Đức, Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An được giao tuyển sinh và đào tạo 2 nghề Kỹ thuật chế biến món ăn và Quản trị lễ tân, mỗi nghề có số lượng sinh viên là 16 em.
Chương trình đào tạo nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế chuyển giao từ CHLB Đức là chương trình đào tạo đạt chuẩn châu Âu, gắn kết giữa đào tạo trong trường và tại doanh nghiệp. Trong thời gian 3 năm đào tạo, sinh viên được học đầy đủ các nhóm kiến thức và kỹ năng của 1 chuyên viên khách sạn, nhà hàng… theo tiêu chuẩn của Đức, với thời gian học tại trường là 30%, thời gian học tại doanh nghiệp là 70%. Điều đặc biệt là, sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có cơ hội làm việc tại CHLB Đức và các nước châu Âu và được cấp 2 bằng: 1 bằng của CHLB Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và 1 bằng Cao đẳng do Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An cấp. Việc này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn chất lượng cao của du lịch Nghệ An mà còn tạo cơ hội cho sinh viên có điều kiện học hỏi, trưởng thành và làm ở tất cả các môi trường quốc tế gắt gao.
Theo ông Phạm Thế Ninh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An, gắn liền nhu cầu đào tạo với xã hội đã được lãnh đạo nhà trường thực hiện xuyên suốt từ nhiều năm trở lại đây. Một mặt, chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho các sinh viên nhà trường có môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc liên kết với doanh nghiệp, các trường đào tạo chất lượng cao ở nhiều nước là một trong những hướng đi trọng tâm của trường trong thời gian tới.
Không chỉ tại Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An mà ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh ta, từ năm 2016 - 2018, mỗi năm Nghệ An đào tạo nghề cho hơn 72.000 lao động. Trong đó hệ cao đẳng và trung cấp khoảng 12.000 lao động. Lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề có việc làm đạt trên 90%; trung cấp nghề đạt trên 85%. Số lao động chủ yếu làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Số lao động tốt nghiệp các nghề như: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, công nghệ ôtô, xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng 100%, có việc làm thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Trở thành xu hướng tất yếu
Năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An đã tham mưu ban hành 2 đề án: Đề án đào tạo lao động nông thôn và Đề án lao động kỹ thuật. Riêng về Đề án đào tạo nghề lao động kỹ thuật, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, giáo dục và đào tạo nghề cho cho học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản tuyên truyền, hướng nghiệp, đôn đốc, nhắc nhở công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 27 cơ sở đào tạo và có đào tạo lao động kỹ thuật tay nghề cao gồm 3 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp. Quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo lao động kỹ thuật bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của thị tường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn tỉnh.
Chương trình, giáo dục đào tạo đã thường xuyên được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa, đổi mới để phù hợp với quy định và yêu cầu của thị trường sử dụng lao động. Các trường đã tiếp nhận, áp dụng kịp thời 24 bộ chương trình được chuyển giao từ các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế để đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN nhằm cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (cuối 2011) lên 61% (cuối 2018), trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 36% lên 55,5%. Tỉ lệ sinh viên sau đào tạo nghề kỹ thuật có việc làm đạt gần 90%. Đã có nhiều sinh viên tham gia các cuộc thi tay nghề giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và khu vực. Năm 2015, 2018 tham gia có 10 sinh viên đạt giải cấp Quốc gia, kỳ thi khu vực ASEAN đạt 1 huy chương Bạc; 1 sinh viên đạt chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới. Các cơ sở đào tạo ngày càng năng động hơn từ công tác tuyển sinh đến việc liên kết với các doanh nghiệp để đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo thực tiễn, ký kết các hợp đồng đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, hoạt động gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm được đẩy mạnh.
Hiện nay, Nghệ An có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia giáo dục nghề nghiệp tương đối lớn với 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 22 Trung tâm và 22 cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp. Những năm gần đây, các trường đã phối hợp với các nhà hàng, khách sạn, tập đoàn cho học sinh thực tập, kiến tập, tham quan học tập kinh nghiệm... Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Với cách làm này đã giúp nhà trường cơ bản chủ động về tài chính, chuẩn hóa về kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời giúp cho sinh viên đào tạo sát với thực tế, đúng chuyên ngành, phục vụ cho công việc sau này. Nhiều thế hệ học sinh qua đào tạo đã trở thành chủ doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật có mức thu nhập cao hoặc đi lao động ở nước ngoài được các công ty “giữ chân” ở lại làm việc lâu dài với mức lương cao...
Trên thực tế, để tìm tiếng nói chung giữa đào tạo nghề trong các trường và nhu cầu của xã hội, cần sự chủ động, quyết liệt nhiều hơn nữa từ các trường và doanh nghiệp. Các trường cần chủ động gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lấy sự chấp nhận của thị trường lao động làm thước đo của hiệu quả đào tạo; phát triển nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mai Hậu