Kinh tế xã hội

Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

09:09, 23/11/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nhiều doanh nghiệp nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhất là tính chủ động trong công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn và thực hiện chế độ chính sách cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại đáng lưu tâm như việc đảm bảo sức khoẻ cho NLĐ đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức; việc khắc phục tồn tại sau thanh, kiểm tra còn hạn chế…

Công tác kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cần được tiến hành định kỳ và đảm bảo chính xác
Công tác kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cần được tiến hành định kỳ và đảm bảo chính xác

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, tập huấn về đảm bảo ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ, chế độ chính sách NLĐ đã được các cấp, ngành cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh đẩy mạnh với nhiều hình thức như: Tổ chức đối thoại với chủ sử dụng lao động, NLĐ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; lễ mít tinh, tháng hành động… Thông qua đó, tại nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; từng bước xây dựng văn hoá về an toàn lao động; đặc biệt là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng, chống cháy, nổ; đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ cho NLĐ.

Theo thống kê, báo cáo từ các đơn vị, doanh nghiệp, giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 76 vụ tai nạn lao động làm 92 người bị nạn, trong đó có 20 người chết, 56 người bị thương nặng;  thiệt hại về vật chất hơn 4,4 tỉ đồng. Tai nạn lao động chủ yếu xảy ra ở các ngành, nghề như: Khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp… So với giai đoạn 2013 - 2015, giảm 8 vụ có người chết và giảm 13 người chết do tai nạn lao động. Tai nạn lao động là hệ quả từ sự lơ là của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng như trang cấp các phương tiện bảo hộ lao động không đầy đủ, không đảm bảo chất lượng cho NLĐ. Về phía NLĐ, hệ lụy đến từ sự chủ quan, không chấp hành nội quy, quy trình làm việc an toàn. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2018, có 152 trường hợp NLĐ được hưởng trợ cấp 1 lần với số tiền hơn 6 tỉ đồng, có 139 lượt NLĐ hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng với số tiền gần 156 triệu đồng; có 287 lượt đơn vị tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho hơn 250.570 NLĐ.

Để hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn lao động, thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATVSLĐ được các cấp, ngành chức năng đặc biệt chú trọng, với việc thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ; qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Với sự vào cuộc quyết liệt nói trên, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh được Tổng Liên đoàn Lao động đánh giá cao, nhất là tính chủ động trong công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn và thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ. Tình hình tai nạn lao động, số lao động mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn giảm so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc khắc phục vi phạm sau thanh, kiểm tra tại một số đơn vị chưa tốt; công tác tuyên truyền về ATVSLĐ có thời điểm chưa thường xuyên và sâu rộng; công tác vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ cho NLĐ đã được quan tâm nhưng chưa đúng mức; công tác phối hợp giữa các sở, ngành có lúc chưa chặt chẽ. Thực tế trên đặt ra yêu cầu tỉnh cần thực hiện tổng rà soát công tác ATVSLĐ trên địa bàn, trong đó tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát cũng như đánh giá việc khắc phục vi phạm sau thanh, kiểm tra. Đi liền với đó là quan tâm hơn nữa đến vấn đề quản lý an toàn sức khoẻ cho NLĐ…

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉ đạo của đoàn giám sát liên ngành về thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An do ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng đoàn tại cuộc làm việc với tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung  như tham mưu cho tỉnh để giao ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam thực hiện nhiệm vụ liên quan trên lĩnh vực ATVSLĐ trong địa bàn Khu kinh tế. Liên quan đến công tác quản lý an toàn sức khoẻ cho NLĐ nhằm làm giảm bệnh nghề nghiệp, Sở Y tế cần nghiên cứu giải pháp để tăng cường việc chủ sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức khám định kỳ cho NLĐ… Qua đó góp phần đảm bảo an toàn và sức khỏe của NLĐ - yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thùy Dương

Các tin khác