Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững, trong đó nêu rõ cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động: đổi mới, sáng tạo, phát triển việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (CTNS 2030) vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể.
Sau hơn hai năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia, đã hình thành một số văn bản pháp lý tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năn 2030. Tuy nhiên, việc thực hiện phát triển bền vững còn có nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách tại các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự hiệu quả. Năng lực thống kê của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng với yêu cầu thống kê mà Liên hợp quốc đặt ra đối với các mục tiêu phát triển bền vững. Nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là rất lớn trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế và nguồn lực ODA bị thu hẹp…
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, dự thảo nêu rõ Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu.
Các nhiệm vụ, giải pháp chung
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng và ban hành chỉ tiêu phát triển bền vững ngành, lĩnh vực và địa phương chậm nhất vào cuối năm 2020 để giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017. Ưu tiên bố trí nguồn lực và có các biện pháp, giải pháp quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 do bộ, ngành và địa phương ban hành.
Đồng thời hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cho người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, cả về thể lực và trí lực. Có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động: đổi mới, sáng tạo, phát triển việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành
Dự thảo nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, bao gồm việc đánh giá công tác xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động và các chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các ngành. Xây dựng Báo cáo quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững và trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2020 và các năm 2025, 2030.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm: Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Xây dựng và ban hành một số luật mới như Luật Trợ giúp xã hội, Luật Ưu đãi xã hội và các văn bản pháp quy có liên quan. Từ năm 2020, nghiên cứu xây dựng Bộ luật khung về an sinh xã hội theo hướng tích hợp các luật hiện hành có liên quan.
Bộ Y tế có nhiệm vụ: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hiện hành nhằm bảo đảm tăng đáng kể khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc và vắc xin thiết yếu, an toàn, hiệu quả, chất lượng, trong khả năng chi trả. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao thể lực và thể chất của người dân phù hợp theo vùng, miền, ưu tiên cho những vùng nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng có nguy cơ khác; lưu ý giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện chiến lược về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ: Huy động và có cơ chế hiệu quả hỗ trợ người dân đưa con trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ theo địa bàn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm: Đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đề xuất chính sách tài chính khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ phát triển các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
.