Thứ Hai, 11/11/2019, 14:35 [GMT+7]

Bảo đảm cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán 2020

Năm nay, do Tết Nguyên đán đến khá sớm và gần với Tết Dương lịch nên việc chuẩn bị hàng hóa Tết tại thời điểm này đã được các đơn vị và doanh nghiệp đã xây dựng và triển khai tương đối đầy đủ.

Để đảm bảo nguồn cung và cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết...
 
Triển khai chỉ đạo trên, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố. Sở dự kiến số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2020, gồm: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
 
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
 
Sở Công Thương cũng tham mưu chỉ đạo tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.
 
Thành phố sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
 
Hà Nội cũng khuyến khích các đơn vị tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết tập trung các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố; tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.
 
Trong dịp này, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết (nhất là các mặt hàng thiết yếu) để chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp có biện pháp vận chuyển, tổ chức điều chuyển hàng hóa tại những khu vực thị trường xảy ra biến động nhằm ổn định thị trường, giá cả.
 
Cùng với Hà Nội, các địa phương khu vực phía Nam cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường cuối năm.
 
Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ban hành và triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019 đối với hàng trăm mặt hàng cho tới Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Những mặt hàng được giữ giá là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết nguyên đán 2020.
 
Năm nay Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa 10 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán như: Các mặt hàng lương thực, đường, dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị… Hiện nay, hàng tháng lượng hàng bình ổn luôn chiếm từ 25 - 30% nhu cầu thị trường vào các tháng cận Tết, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 30 - 40% nhu cầu thị trường.
 
Còn tại tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020, với lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng để tham gia bình ổn, phục vụ thị trường tết.
 
Đại diện Siêu thị Big C Bình Dương cho biết ngay từ giữa năm 2019, đơn vị này đã chuẩn bị nguyên vật liệu để phục vụ hàng hóa tết 2020. Dự kiến, dịp Tết sắp tới, siêu thị tăng lượng hàng hóa bán ra khoảng 20% đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị hàng hóa siêu thị dự trữ cho đợt Tết Canh Tý là 337 tỷ đồng. Siêu thị Co.opmart Bình Dương cũng đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ mùa Tết 2020, cao hơn gần 30% so với dịp Tết năm 2019. Tổng giá trị hàng hóa đơn vị dành cho chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết gần 160 tỷ đồng. Đại diện siêu thị này cho biết, dịp Tết 2020 đơn vị sẽ tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, như: súp tươi bổ dưỡng, bộ sản phẩm lẩu tết, thực phẩm chế biến, trái cây đặc sản vùng miền… giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn cho bữa tiệc xuân hoặc làm quà tặng. Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đến thời điểm này nhìn chung các đơn vị, doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết 2020 khá chu đáo. Do vậy, khả năng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết sẽ khó xảy ra.
 
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại tỉnh đều xây dựng và đăng ký giá bán cho từng mặt hàng cụ thể thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường gửi đến các ngành với giá thấp hơn của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng trên thị trường tại thời điểm đăng ký. Để chủ động nguồn hàng và giá cả hàng hóa cho dịp cuối năm nay, ngay từ tháng 9, tháng 10, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa. Các doanh nghiệp này còn đàm phán với các nhà sản xuất để đưa ra được giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng trong dịp mua sắm cuối năm. Lượng hàng hóa thiết yếu của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết sắp tới dự kiến sẽ tăng khoảng 20% đến 25% so với cùng kỳ năm trước.
 
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành và địa phương có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn giá phù hợp, hiệu quả; trong đó cần lưu ý những khu vực nông thôn, khu vực có đông công nhân, người lao động... Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra, kiểm soát thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới.
 
Theo kế hoạch dự kiến triển khai chương trình trong năm 2019-2020, đặc biệt là vào dịp Tết Canh Tý sắp tới, chương trình bình ổn giá ở Đồng Nai sẽ triển khai đối với các mặt hàng: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gà, thịt lợn, trứng gia cầm, gia vị, nước chấm, sách giáo khoa, vở học sinh... Tổng số tiền dự kiến hỗ trợ vay vốn, thực hiện chương trình vào khoảng hơn 68 tỷ đồng. Riêng đối với số tiền hỗ trợ để thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu khoảng 45 tỷ đồng...
.

Phương Nhi

.