Kinh tế xã hội

Xóa đói giảm nghèo từ phát triển du lịch cộng đồng

08:36, 09/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xác định du lịch cộng đồng là hướng đi trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, trong thời gian qua, Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp. Với các huyện miền Tây Nghệ An, du lịch cộng đồng được hy vọng tạo nên diện mạo mới, thúc đẩy các địa phương phát huy tiềm năng, khởi sắc toàn diện hơn.

Huyện Con Cuông được biết đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn
Huyện Con Cuông được biết đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn

Miền Tây Nghệ An là một vùng cao với sự đa dạng về loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống: Múa sạp, múa xòe của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; điệu "suối, lăm, khắp" của người Thái; hát tơm của dân tộc Khơ Mú. Đến với miền Tây xứ Nghệ, du khách có điều kiện tìm hiểu cuộc sống đồng bào dân tộc với những nhà sàn, trang phục truyền thống nguyên sơ, chất phác vốn có; thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào nơi đây. Trong ánh lửa bập bùng, du khách cũng có thể hoà mình vào điệu múa, điệu nhạc của tiếng cồng chiêng trong các lễ hội, được sống trong bầu không khí thân thiện, được nghe kể về lịch sử hình thành tộc người thiểu số, được tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống và những nét văn hóa còn chứa đựng bao điều kỳ bí, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều du khách. Chỉ cần một tour du lịch ngắn ngày, người dân sẽ có những trải nghiệm phong phú. Trong nhịp sống xô bồ, điều này càng trở nên cuốn hút với du khách.

Với thế mạnh trên, phát triển tour du lịch về với miền Tây xứ Nghệ đang được các địa phương chọn làm hướng đi trọng tâm chính, góp phần thay đổi diện mạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, du lịch cộng đồng là loại hình phù hợp nhất, vừa khai phá tiềm năng của các huyện, vừa lôi cuốn người dân tham gia. Luật Du lịch 2017 lần đầu tiên đưa vào nội dung quy định về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Đây được xem là điểm mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với loại hình du lịch này, tạo cơ hội thụ hưởng cho người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Về phương thức hoạt động, du lịch cộng đồng phải có cộng đồng tham gia và quyền lợi phải chia đều cho mọi người trong cộng đồng. Có như vậy, hoạt động này mới hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, Nghệ An đã xây dựng được một số điểm, mô hình du lịch cộng đồng như: Bản Yên Thành, bản Nưa, bản Xiềng (huyện Con Cuông), bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) và các tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch nội vùng và nội tỉnh. Tại huyện Tân Kỳ, đề án "Phát triển du lịch cộng đồng xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025" đã được UBND huyện Tân Kỳ phê duyệt từ trung tuần tháng 10/2017. Mục tiêu của đề án, đến năm 2020, Tân kỳ đón 3.500 khách du lịch, đến năm 2025 đón 8.000 khách du lịch vào địa bàn. Từ đó, đưa Tiên Kỳ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tương xứng với tiềm năng và lợi thế, tạo việc làm cho người dân trong xã. Hiện nay, huyện Tân Kỳ đang huy động mọi nguồn lực, kêu gọi đầu tư cải tạo, xây dựng các hang động; nâng cấp các tuyến đường liên xã, thôn bản; củng cố lại các đội văn nghệ xã; khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống... để hấp dẫn du khách gần xa.

Ý thức rõ tầm quan trọng của du lịch cộng đồng, dù là loại hình mới, dựa vào đặc điểm lợi thế của vùng miền, các địa phương miền Tây Nghệ An đã tập trung đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng nơi đây, các địa phương vẫn cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa. Cho đến nay, nhìn chung, khu vực miền Tây Nghệ An còn rất khó khăn về các mặt. Muốn du lịch cộng đồng phát triển được cần hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và du lịch, nâng cao trình độ dân trí, nhất là trình độ chuyên môn về du lịch, hỗ trợ cộng đồng các trang thiết bị cơ bản về vật chất kỹ thuật du lịch để tạo điều kiện ban đầu phục vụ du khách. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và các sản phẩm du lịch hiện nay chưa đảm bảo điều kiện cho khách du lịch lưu trú, khám phá. Vì vậy, tỉnh và các ngành cần định hướng và hỗ trợ người dân địa phương phát triển du lịch, kết hợp dịch vụ du lịch với phát triển nông nghiệp. Việc quy hoạch phát triển phải song song giữa mục tiêu hiện đại, chuyên nghiệp với giữ gìn những thế mạnh trong phong tục tập quán địa phương. Về hoạch định chính sách, xác định tầm quan trọng của du lịch cộng đồng với phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn liền với du lịch cộng đồng. Đồng thời, phát huy vai trò cầu nối của các doanh nghiệp du lịch.

Thông qua đơn vị kinh doanh lữ hành, hoạt động và sản phẩm du lịch gắn liền với loại hình du lịch cộng đồng được xuất hiện trên thị trường như một kênh cung ứng nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, thông tin các đơn vị lữ hành cung cấp sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách đối với loại hình du lịch cộng đồng.

Tuệ Trang

Các tin khác