Kinh tế xã hội
Thúc đẩy kết nối cung cầu hàng hóa
(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, công tác kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường. Tuy nhiên, để tạo sự lan tỏa thì vai trò của Nhà nước và nhất là sự chủ động của doanh nghiệp cần được thể hiện rõ rệt hơn nữa.
Kết nối cung cầu góp phần để sản phẩm tiếp cận với các siêu thị, kênh bán lẻ |
Nghệ An hiện có trên 150 làng nghề, 690 hợp tác xã và hơn 8.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Các mô hình cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng; tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phong trào, mô hình, điển hình tốt về xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn có bước phát triển; có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thuỷ sản an toàn, có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá.
Ý thức rõ vai trò của kết nối cung cầu, Nghệ An đã chủ động đề xuất các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Nhiều hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp với nhà sản xuất được tổ chức thường niên, là cầu nối quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường rộng rãi hơn, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa nông sản khép kín.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Nghệ An được tổ chức từ năm 2016, đến nay đã có nhiều mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho phát triển hàng hóa của tỉnh. Vào tháng 6/2016, Sở Công thương Nghệ An kết nối với các doanh nghiệp và Sở Công thương An Giang lần đầu tiên tổ chức cuộc giao thương giữa các doanh nghiệp của hai địa phương tại TP Vinh. Cũng từ đây, mục tiêu đặt ra là mỗi năm tổ chức ít nhất một lần cuộc giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước.
Vừa qua, tại Nghệ An đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu với sự góp mặt của các đại biểu đến từ 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và hơn 120 doanh nghiệp đến từ 9 tỉnh, thành phố. Các sản phẩm tham gia trưng bày tại Hội nghị là các đặc sản vùng miền, sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Đây là cơ hội để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Đồng thời, tạo nguồn cung hàng Việt cho hệ thống phân phối, đưa sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng để tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững. Thông qua các chương trình kết nối, đến nay đã có không ít sản phẩm được kết nối thành công, đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị.
Dù vậy, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu hiện nay vẫn đang còn những lực cản lớn. Sản xuất của người dân chủ yếu là nhỏ lẻ, phần lớn vẫn chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng để đưa ra các kênh tiêu thụ. Hoạt động liên kết giữa người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, đa số hộ sản xuất, cơ sở chế biến vẫn còn phụ thuộc vào các tiểu thương trực tiếp thu mua. Hiện nay, thế mạnh lớn nhất của địa phương vẫn là những sản phẩm nông nghiệp chế biến, đòi hỏi sự chặt chẽ về quản lý chất lượng, chứng nhận đảm bảo ATVSTP và nhất là thương hiệu.
Hiện nay, với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0, sàn giao dịch thương mại cũng là hướng mở với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đã có những tín hiệu vui khi những mặt hàng mang thương hiệu xứ Nghệ đã không dừng lại ở phạm vi trong tỉnh và những người Nghệ xa quê. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ sản phẩm, nâng cao chất lượng cũng như cách bảo quản, quảng bá sản phẩm hiện đại hơn. Từ đó, xây dựng chiến lược phù hợp, định hướng sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng bền vững, hiệu quả. Đồng thời, Nghệ An cần hỗ trợ hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương; đẩy mạnh việc bình chọn, gắn truyền thông quảng bá rộng rãi sản phẩm đặc trưng vùng miền, an toàn; tạo thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận với cơ chế, chính sách, tạo đầu mối cho chuỗi liên kết.
Tuệ Trang