Kinh tế xã hội
Bước chuyển để trở thành 'đô thị đáng sống'
(Congannghean.vn)-Là mảnh đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển, TP Vinh đang nỗ lực bứt phá trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ. Mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, đáng sống đang được cụ thể hóa bằng nhiều kế sách, bước đi phù hợp, song cũng đứng trước nhiều thách thức không kém phần gian nan.
Các đại biểu ấn nút khai trương các phần mềm hiện đại sẽ triển khai tại TP Vinh trong thời gian tới |
TP Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Đến nay, qua những chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành, thành phố đã khẳng định là một trong những đô thị phát triển nhanh, bền vững của cả nước. Hàng năm, thành phố đã đóng góp khoảng 33,52% ngân sách của tỉnh Nghệ An; thu nội địa năm 2018 đạt 2.426,3 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm hết tháng 7/2019, thành phố có 6.173 doanh nghiệp và 22.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Kinh tế tăng trưởng khá, dự ước đạt 9,12%/KH là 9 - 10%.Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 15.965 tỉ đồng, đạt 100,1%KH. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt gần 85 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách thành phố quản lý đạt 2.330 tỉ đồng, đạt 111% dự toán tỉnh giao. Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 69,5 tỉ đồng/55 - 60 tỉ đồng so với kế hoạch. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,41%.
Hàng loạt công trình trọng yếu được xây dựng, hoàn thiện, tạo cơ sở để Vinh khoác lên mình chiếc áo mới, khang trang và hiện đại hơn. Đó là QL1 - tránh Vinh, Nghi Xuân, các cầu vượt đường sắt tại Cửa Nam, Nghi Kim, Quán Bánh, đường tỉnh lộ 535 nối Vinh - Cửa Hội, đường ven Sông Lam, đường 72 m, đường ven sông Vinh, đường NamJangJu Dasan, hệ thống đường giao thông Vinh - Hưng Tây rộng 70 m, nối TP Vinh với Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An…. tạo cho quỹ đất TP Vinh ngày một mở rộng và thu hút các nhà đầu tư.
Đặc biệt, Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh có tổng mức đầu tư gần 153 triệu USD bao gồm 4 hợp phần đã cải thiện vệ sinh môi trường và nâng cao năng lực thoát nước thải trên địa bàn, xây dựng Vinh trở thành đô thị sinh thái ven sông Lam. Mới đây nhất, Đại lộ Vinh - Cửa Lò sẽ góp phần thúc đẩy giao thông, hoàn thiện diện mạo của một đô thị gắn với biển. Đại lộ này trong tương lai sẽ quy hoạch các cơ quan hành chính của TP Vinh, của tỉnh và của các công trình, dự án quan trọng.
Theo Quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 10/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Vinh là trung tâm đô thị vùng Bắc Trung Bộ, một trong mười trung tâm của cả nước. Năm 2008, TP Vinh mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm 5 xã của huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên, từ diện tích 67.5 km2 tăng lên đến 104 km2. Cùng với đó, Vinh cũng đã được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 có tính đến năm 2050 mở rộng lên 230 km2, với hơn 1 triệu dân. Đặc biệt, Quyết định số 239 ngày 30/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 2468 ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển TP Vinh trở thành Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ chính là tiền đề, động lực để tạo nên một thành Vinh với những chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét hơn.
Trong rất nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng TP Vinh trở thành đô thị văn minh, phát triển và đáng sống, các đồng chí lãnh đạo và các nhà hoạch định kế sách đều thống nhất chung một trăn trở: Phải xác định phát triển TP Vinh có quy mô vùng; chủ động ban hành cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực, trong đó chú trọng khuyến khích nội lực và huy động đầu tư của các tổ chức, doanh nhân trong nước và nước ngoài nhưng có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên phát triển toàn diện TP Vinh.
TP Vinh cũng là đơn vị dẫn đầu của tỉnh Nghệ An về chất lượng giáo dục; nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành. Một số lĩnh vực của thành phố đã có các yếu tố trở thành trung tâm vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ như dịch vụ, tài chính, thương mại, y tế, giáo dục đào tạo… Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu và khẳng định vị thế dẫn đầu khu vực, vẫn còn nhiều vấn đề phải triển khai quyết liệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa cao, thu ngân sách chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người cách xa so với mục tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa tạo sự bứt phá với các đô thị trong khu vực Bắc Trung Bộ. Điều này cũng được lãnh đạo các cấp nhìn nhận thẳng thắn trong thời gian qua.
Trong mọi yếu tố, sức mạnh nội lực vẫn là quan trọng nhất. Để cụ thể hóa nội dung này, cấp ủy lãnh đạo, nhất là người “cầm lái” phải thật sự tâm huyết, trách nhiệm và tạo sức mạnh thống nhất. Nhìn sang địa phương bạn, như “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, ta sẽ nhận ra, danh hiệu này đã được người dân thừa nhận và tin tưởng, chứ không phải một cấp ngành nào trao tặng. Điều đó mới thực sự bền vững. Đà Nẵng từ lâu đã nổi tiếng với khẩu hiệu “5 không, 3 có” - Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có tội phạm giết người cướp của; có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Thành phố này cũng đẩy mạnh nhiều giải pháp để không “chảy máu” chất xám, giữ chân người tài, cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho người dân như giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, xây dựng công trình công cộng, nâng cấp hạ tầng giao thông hiệu quả...
Với TP Vinh, để hiện thực hóa mục tiêu trên, đòi hỏi sự quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa. Trước tiên, phải là trong cách ứng xử, làm việc của bộ máy công chức có thực sự tận tâm, và vì dân hay không? Rồi công tác quản lý, quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại, khoa học, văn minh, hiếu khách, thân thiện; vấn đề ô nhiễm môi trường, chính sách hưởng thụ và cải thiện cuộc sống của nhân dân... Tất nhiên, Vinh cũng cần có cơ chế năng động hơn để chủ động phát triển kinh tế, cũng như kêu gọi đầu tư hình thành đầu tàu tăng trưởng của cả tỉnh và toàn khu vực. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ các dự án động lực, tạo điểm nhấn cho thành phố phát triển xứng tầm. Công tác cải cách hành chính, thu hút nhân tài cũng cần sự đột phá, bền vững nhằm tạo nội lực để Vinh có thể khai thác tối đa sức mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội...
Mục tiêu các kế hoạch, nghị quyết đã xác định, năm 2020, TP Vinh trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. Thời gian không còn nhiều, vì thế, những nhiệm vụ trọng tâm cần được lãnh đạo TP Vinh tập trung triển khai nhanh chóng. Bởi nếu không quyết liệt, chiếc áo đô thị văn minh, đáng sống sẽ trở nên quá rộng, không còn phù hợp với thành Vinh.
Tuệ Trang