Kinh tế xã hội
Đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội
(Congannghean.vn)-Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, trong suốt nhiều năm qua, Nghệ An đã cụ thể hóa chủ trương sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo mọi thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương |
Toàn tỉnh hiện có trên 19.000 doanh nghiệp đăng ký, trong đó số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động khoảng 13.000 doanh nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và an sinh xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, nhiều văn bản, kế hoạch đã được Chính phủ ban hành và được Nghệ An triển khai cụ thể, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020 và Quyết định số 844/QĐ-TT về Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trong nhiều lần phát biểu, đồng chí Thái Thanh Quý, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần khẳng định: UBND tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh lành mạnh, bằng những hành động cụ thể như: Cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh; chủ động cải cách hành chính; tăng cường đối thoại để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý Nhà nước; thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với tinh thần “Nghệ An đồng hành với doanh nghiệp”, từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ngành đều quan tâm sâu sát cải cách hành chính. Đầu năm 2019, tỉnh Nghệ An đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại địa chỉ dichvuhotrodoanhnghiep.enghean.vn, gắn với việc xác định năm 2019 là năm cải cách hành chính, nhằm hướng đến nền hành chính phục vụ, đem đến sự hài lòng cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI liên tục tăng, năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục được cải thiện cả về thứ hạng và các chỉ số thành phần; xếp thứ 19, tăng 2 bậc so với năm 2017, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Nghệ An năm 2018 đứng thứ 4 cả nước với 46,57 điểm, góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân và thúc đẩy phát triển bền vững ở Nghệ An.
Nghệ An cũng cụ thể hóa hàng loạt chính sách đồng hành với doanh nghiệp. Ngoài ưu đãi về thuế, về thuê đất, tỉnh còn hỗ trợ đầu tư toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; đầu tư công trình hạ tầng giao thông; cấp điện, cấp nước, thoát nước đến hàng rào dự án; cung cấp miễn phí thông tin về môi trường đầu tư, quy hoạch, tiếp cập quỹ đất và thuế; chi phí đào tạo lao động 1,5 triệu đồng/người...
Với tinh thần cởi mở, đồng hành với doanh nghiệp, TP Vinh - trung tâm kinh tế - văn hóa của Nghệ An cũng đã chủ động tổ chức gặp mặt doanh nghiệp trên địa bàn. Dù là lần đầu tiên song Hội nghị đã thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia. Đây là dịp để các doanh nghiệp trao đổi, liên kết trong sản xuất, đòng góp nhiều hơn nữa cho thành phố; đồng thời thể hiện sự cầu thị, quan tâm của thành phố đối với doanh nghiệp trên địa bàn. Trong 3 năm gần đây, thành phố đã thu hút 63 dự án vào các lĩnh vực với tổng số vốn 8.063 tỉ đồng. Còn với Nghệ An, từ năm 2016 - 2018, Nghệ An đã kêu gọi đầu tư 54 dự án với tổng mức đầu tư 50.482,782 tỉ đồng; trong đó riêng năm 2018 có 11 dự án với tổng mức đầu tư 587,55 tỉ đồng.
Có thể thấy, sự cam kết hỗ trợ, tạo niềm tin từ chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực tiếp sức để cộng đồng doanh nhân Nghệ An có một điểm tựa vững chắc, thực hiện tiếp những hoài bão lớn, làm giàu cho bản thân và đóng góp tích cực với sự phát triển, thịnh vượng của địa phương.
Tuệ Trang