Kinh tế xã hội
Vướng mắc trong bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn
(Congannghean.vn)-Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, vận hành. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, quyền lợi của người dân sử dụng điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điện yếu không đủ sử dụng, lưới điện xuống cấp không được đầu tư, nâng cấp... Ngoài ra, riêng Dự án “Năng lượng nông thôn II tỉnh Nghệ An”(gọi tắt là REII), hiện UBND tỉnh vẫn đang sử dụng ngân sách để trả nợ hàng năm cho Ngân hàng thế giới (WB).
Xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa là một trong số các địa phương được hưởng lợi từ Dự án REII. Đây là dự án do Ban quản lý dự án năng lượng nông thôn II làm chủ đầu tư (nay đã giải thể). Từ năm 2014, hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện hạ áp nông thôn của xã Nghĩa Thuận đã được kiện toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân. Tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục hồ sơ để bàn giao lưới điện xã Nghĩa Thuận cho ngành điện quản lý từ đó đến nay đang còn vướng mắc, do phía HTX điện năng xã Nghĩa Thuận chưa đồng ý ký vào biên bản, hồ sơ bàn giao.
Lưới điện hạ áp nông thôn xã Nghĩa Thuận chính thức hoàn thành từ năm 2014 |
Trao đổi với phóng viên vấn đề trên, ông Võ Sỹ Thông, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: Giữa ngành điện, Sở Công thương và địa phương cũng đã làm việc chung với nhau nhiều lần nhưng chưa thống nhất được phương án giải quyết nên hồ sơ chưa ký bàn giao. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận lý giải nguyên nhân vướng mắc là do trước đây, việc quản lý hệ thống điện ở địa phương do HTX quản lý, đến năm 2012, Dự án REII được triển khai trên địa bàn, tổng số vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng, thi công hơn 40 km đường dây, trong đó HTX có hơn 1 tỉ đồng đầu tư vào lưới điện này. Để có khối lượng thi công và ứng tiền dự án, nhà thầu, chủ đầu tư dự án đã thống nhất lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng thi công vào năm 2012, khi dự án đang còn dở dang, chưa hoàn thành. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc bàn giao lưới điện chưa thể giải quyết được.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết thêm, đến năm 2014, Dự án REII tại xã Nghĩa Thuận mới chính thức hoàn thành và bàn giao, cũng vào thời điểm này, UBND tỉnh chủ trương chỉ đạo các địa phương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý. Ban đầu khi làm hồ sơ bàn giao, Công ty Điện lực Nghệ An đồng ý tiếp nhận nguyên trạng lưới điện và giá trị đầu tư, nhưng sau đó thì Công ty Điện lực Nghệ An không đồng ý phương án ban đầu mà dựa vào biên bản nghiệm thu bàn giao từ năm 2012 để khấu hao 2 năm sử dụng. Do vậy, giá trị bàn giao còn lại gần 9 tỉ đồng. Theo phương án này, số tiền đầu tư của HTX điện Nghĩa Thuận sẽ không còn, do bị khấu hao tài sản, trong khi tài sản bàn giao còn mới nên việc ký hồ sơ bàn giao giữa HTX và ngành điện không thành.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, thời gian tới địa phương sẽ cùng Phòng Công thương, Phòng Kinh tế thị xã và HTX điện làm việc với Sở Công thương để giải quyết, nếu không thống nhất được phương án bàn giao thì sẽ khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, hồ sơ quyết toán hoàn thành dự án từ năm 2012, đây chính là lý do khiến cho công tác bàn giao hồ sơ chưa hoàn thành |
Để tìm hiểu kỹ hơn nội dung này, chúng tôi đã trao đổi thêm với ông Trần Xuân Tiến, chuyên viên Phòng Kế hoạch - Đầu tư, Công ty Điện lực Nghệ An. Ông Tiến cho hay, hiện nay lưới điện hạ áp nông thôn ở xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa đã bàn giao cho ngành điện quản lý, vận hành từ ngày 6/12/2014. Tuy nhiên, do phía địa phương không chịu chấp nhận phần khấu hao (1,9 tỉ đồng) nên họ không ký hồ sơ bàn giao.
Cũng theo ông Tiến, đến nay còn một số xã chưa hoàn thành việc bàn giao lưới điện cho ngành điện như xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Ở xã này, hồ sơ vướng mắc ở chỗ, người dân chưa chứng minh được giá trị đầu tư vào lưới điện để đánh giá giá trị còn lại. Ngoài ra, các xã Nghi Liên, TP Vinh và Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu cũng là những xã cuối cùng đang được Công ty Điện lực Nghệ An trình hồ sơ ra Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, khi được chấp thuận thì Điện lực Nghệ An mới tiếp nhận.
Ông Hoàng Minh Quân, Trưởng phòng Quản lý giá và Công sản, Sở Tài chính Nghệ An cho biết, việc chậm bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, người sử dụng điện sẽ phải chịu thiệt thòi. Bởi, một số HTX điện năng ở các địa phương muốn ôm lưới điện này để kinh doanh thu lời nhưng vốn nâng cấp, sửa chữa không có, lưới điện ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng cao, nhiều trạm biến áp quá tải, các HTX không đủ tiền để đầu tư mới, do vậy việc sử dụng điện luôn chập chờn, không đủ tải.
Ông Nguyễn Văn Biển, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm điện năng Sở Công thương (Ông Biển trước đây là Kế toán của Ban quản lý dự án điện REII - PV), cho biết: Hiện nay, các thành viên chủ chốt của Ban quản lý dự án điện REII đã nghỉ hưu theo chế độ, bản thân ông Biển không còn nắm được nhiều thông tin liên quan đến Dự án REII. Theo ông Biển, Dự án REII ở Nghệ An khởi công từ năm 2008 đến 30/6/2014 thì kết thúc, tổng số vốn vay Ngân hàng thế giới hơn 370 tỉ đồng, vốn đối ứng của tỉnh khoảng 30 tỉ đồng, có gần 100 xã trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ dự án này. Ban quản lý dự án REII chịu trách nhiệm đầu tư, thực hiện quản lý dự án, sau đó bàn giao lại cho các HTX điện năng các xã quản lý, vấn đề bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý thì Ban quản lý dự án không tham gia.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề, có hay không việc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng xây dựng tại xã Nghĩa Thuận vào năm 2012 để ứng vốn và vật tư? Ông Biển nói rằng không có chuyện quyết toán khống, việc quyết toán diễn ra từng giai đoạn, xong chỗ nào quyết toán chỗ đó. Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Tiến, tại xã Nghĩa Thuận đã quyết toán 3 lần, lần cuối cùng là vào ngày 18/8/2012. Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thuận và các hồ sơ lưu lại cho biết, Dự án REII ở xã Nghĩa Thuận phải đến năm 2014 mới hoàn thành, bàn giao. Như vậy, thông tin về việc Ban quản lý dự án REII thi công công trình tại xã Nghĩa Thuận quyết toán khống để ứng tiền dự án là có cơ sở.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, Dự án REII ở Nghệ An triển khai qua 2 đợt với tổng số vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới và vốn đối ứng của tỉnh Nghệ An. Trong đó, đợt 1 có 36 xã trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn và đợt 2 có 45 xã được cải tạo, nâng cấp lưới điện. Hiện nay, do việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn chưa hoàn thành nên UBND tỉnh và Công ty điện lực Nghệ An đang phải đồng trả nợ vốn vay cho Ngân hàng thế giới. Riêng năm 2018, Công ty Điện lực Nghệ An phải trả nợ vốn vay từ dự án nói trên hơn 16 tỉ đồng.
Đ. Thắng