Kinh tế xã hội

Ngân sách bội thu - một điểm nhấn

09:21, 14/08/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Nếu GDP là hiệu quả, thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Không chỉ vậy, thu chi ngân sách còn liên quan trực tiếp đến bộ máy Nhà nước và liên quan đến nhiều cân đối vĩ mô khác. Với vai trò đó, thu chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm nay đã có một điểm nhấn quan trọng so với nhiều thời kỳ trước đây, đó là ngân sách đã bội thu.
Thu chi ngân sách 7 tháng năm 2019 (nghìn tỷ đồng). Nguồn: Bộ Tài chính
Thu chi ngân sách 7 tháng năm 2019 (nghìn tỷ đồng). Nguồn: Bộ Tài chính
Bội thu trong 7 tháng năm nay là một điểm nhấn, bởi mức bội thu đã cao gấp 3 lần mức bội thu 38.300 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, ngược chiều với mức bội chi theo dự toán cả năm (220.000 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP).
 
Trong nhiều năm trước, ngân sách Nhà nước liên tục bội chi,, trong đó năm 2015 lên tới 6,1%, năm 2016 là 3,7%, năm 2018 là 3,46%.
 
Bội thu do tổng thu đạt lớn hơn tổng chi cả về quy mô tuyệt đối (811.700 tỷ so với 776.000 tỷ đồng), cả về tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm (63,2% so với 47,6%), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (11,9% so với 2,3%).
 
Kết quả của 7 tháng là tích cực và tín hiệu khả quan, thể hiện ở tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm: Tỷ lệ của tổng thu cao hơn, trong khi tỷ lệ của tổng chi thấp hơn nhiều tỷ lệ về thời gian (7 tháng so với 12 tháng); tốc độ tăng của tổng thu cao hơn tốc độ tăng của GDP, còn của tổng chi lại thấp hơn nhiều, tạo tiền đề để cả năm thu vượt dự toán, chi thấp hơn dự toán và tổng thu tăng cao hơn GDP giá thực tế, tổng chi tăng thấp hơn GDP giá thực tế.
 
Trong tổng thu, những khoản chủ yếu đều đạt tỷ lệ so với dự toán đều khá. Khoản thu lớn nhất là thu nội địa, đạt 61,8%, cao hơn tỷ lệ thực hiện 58,4% của cùng kỳ năm trước; khoản thu này so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới 12,8%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của tổng thu trong tổng thu nội địa, tỷ lệ thực hiện so với dự toán của các khoản như thu từ sử dụng đất, thu từ khu vực ngoài nhà nước đạt cao hơn tỷ lệ chung.
 
Khoản thu lớn thứ 2 là thu từ xuất nhập khẩu so với dự toán năm đạt tới 68,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng rất cao 17,9%, gần gấp rưỡi tốc độ tăng của tổng thu và cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (7,5%) cũng như của nhập khẩu (8,3%). Điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện thuế suất thuế xuất nhập khẩu giảm khi thực hiện Hiệp định CPTPP. Đạt được trong điều kiện đó, ngoài yếu tố giá xuất nhập khẩu tính bằng VND tăng, cơ cấu xuất nhập khẩu có thuế suất nhập khẩu khác nhau, còn do việc hành thu tích cực hơn, hạn chế việc trốn thuế, gian lận thương mại...
 
Riêng thu từ dầu thô đạt tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm khá cao (77%), do lượng dầu thô xuất khẩu tăng khá (8,7%), mặc dù so với cùng kỳ năm trước kim ngạch giảm 0,2%, do giá xuất khẩu giảm 9,1%, nên thu ngân sách từ dầu thô giảm 3,4%.
 
Bội thu ngân sách Nhà nước có tác động về nhiều mặt. Vì thu chi ngân sách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của bộ máy Nhà nước, nên bội thu ngân sách sẽ tạo điều kiện cho Nhà nước thuận lợi cho việc chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Bội thu ngân sách tạo điều kiện cho việc giảm nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP- một trong những quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng, liên quan đến an toàn tài chính quốc gia của Việt Nam.
 
Tuy bội thu ngân sách, nhưng chưa thật bền vững, bởi một số nguyên nhân. Cách tính bội chi từ vài năm nay có sự thay đổi: Không tính trả nợ gốc vào chi ngân sách; nếu tính khoản chi này vào chi ngân sách thì bội chi chứ không bội thu.
 
Trong thu ngân sách nội địa, tỷ lệ thực hiện dự toán năm của khối doanh nghiệp Nhà nước đạt mức thấp nhất trong 3 khối, thấp hơn khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khối doanh nghiệp FDI cũng còn thấp do xuất khẩu của khối này chậm lại. Tỷ lệ thực hiện dự toán năm của khoản thuế bảo vệ môi trường còn thấp.
 
Trong tổng chi ngân sách, chỉ có khoản chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao nhất; sau đó là chi trả lãi, trong khi chi cho đầu tư phát triển còn đạt rất thấp. Do chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách đạt dự toán thấp, nên vốn đầu tư phát triển 7 tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm còn thấp (44,9%) và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (3,9%).
 
Tỷ lệ và tốc độ tăng thấp này cảnh báo về 3 vấn đề cần quan tâm. Đó là ngân sách không thiếu nguồn, chủ yếu là do thực hiện đầu tư chậm. Trong ngân sách, vốn đầu tư có từ nguồn vốn vay; trong khi vay thì phải tính lãi ngay từ lúc vay, nếu giải ngân chậm sẽ làm cho hiệu quả thấp. Các công trình khi thiếu nguồn từ ngân sách, thường các nhà đầu tư phải ứng vốn hoặc vay ngoài, đã làm cho nợ đọng xây dựng cơ bản xảy ra, ảnh hưởng đến kế hoạch và thực hiện trong năm sau.
 
Điều quan trọng nhất của thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. GDP cũng là hiệu quả tổng hợp, nhưng trong GDP còn có khấu hao tài sản cố định (CI), còn có giá trị sức lao động (V). Bộ phận quan trọng là M (giá trị thặng dư), trong đó có một phần quan trọng là nguồn thu ngân sách nhà nước. Do vậy thu ngân sách có thể được coi là hiệu quả cuối cùng của hiệu quả. Muốn “cái bánh” này to ra thì quan trọng là hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh; nhưng cái gốc của hiệu quả là đầu tư phải có hiệu quả và quan trọng nhất là có năng suất lao động cao.

Nguồn: Minh Ngọc/Chinhphu.vn

Các tin khác