Chủ Nhật, 18/08/2019, 06:39 [GMT+7]

6 tháng đầu năm thu phạt hành chính trên 14 tỉ đồng

(Congannghean.vn)-Đây là số liệu báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2019, theo đó, cơ quan chức năng đã xử phạt 6.259 vụ vi phạm hành chính, với 6.918 đối tượng, thu phạt trên 14 tỉ đồng.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tổ chức được 81 hội nghị tập huấn với hơn 16.800 lượt người tham gia; đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng 126 phóng sự, đăng tải hơn 13.860 tin bài và nhiều tờ rơi tuyên truyền các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Cảnh sát Môi trường kiểm tra hành chính lô hàng thực phẩm                                      không rõ nguồn gốc xuất xứ (Ảnh tư liệu)
Cảnh sát Môi trường kiểm tra hành chính lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (Ảnh tư liệu)
Song song với công tác tuyên truyền, các Đoàn liên ngành đã trực tiếp kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, việc áp dụng các quy định pháp luật, thực hiện quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh; Công an cấp huyện, xã; Chủ tịch UBND cấp huyện, xã tại các huyện Yên Thành, Quế Phong. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã xử phạt 6.259 vụ vi phạm hành chính với 6.918 đối tượng, thu phạt trên 14 tỉ đồng.
 
Tuy nhiên, quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vẫn còn những vướng mắc từ các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, từ Điều 38 đến Điều 51, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên để giải quyết nên không bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng. Hiện nay, bộ máy hoạt động của một số lực lượng đã được tổ chức lại, do đó, có sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức, tên gọi hiện có dẫn đến những khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền xử phạt trong thực tiễn áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Lực lượng CSGT Công an Nghệ An tăng cường kiểm tra phương tiện tham gia giao thông
Lực lượng CSGT Công an Nghệ An tăng cường kiểm tra phương tiện tham gia giao thông
Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định về trách nhiệm người có thẩm quyền về thời hạn áp dụng thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính “Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng lại cho thấy, thời hạn này chỉ phù hợp đối với việc xử lý tang vật là tiền, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý mà không phù hợp với những trường hợp tang vật, phương tiện phải tổ chức bán đấu giá được quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 82, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi thông thường, để thực hiện theo quy trình bán đấu giá tài sản phải tốn một khoảng thời gian khá lâu để giám định, định giá xác định giá trị tang  vật, phương tiện do phải nhờ chuyên gia, hội đồng định giá thực hiện. Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định có sự phân biệt về thời hạn giữa các loại tang vật, phương tiện bị tịch thu cần phải xử lý…
 
Thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015; ban hành kịp thời nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để hình thành cơ chế kiểm tra, xử lý trách nhiệm thống nhất, minh bạch và công bằng. Đồng thời, sớm xây dựng phần mềm hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo việc cập nhật thông tin, theo dõi, thống kê trong công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
.

Đ.T

.