Kinh tế xã hội
Nỗ lực 'chạm đích' kịch bản tăng trưởng
(Congannghean.vn)-6 tháng đầu năm 2019, nối tiếp mạch tăng trưởng năm 2018 cùng với sự nỗ lực trong công tác điều hành, chỉ đạo, quản lý của UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương, bức tranh kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.
Ngành nông nghiệp đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung với nhiều sản phẩm chủ lực, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao |
6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 7,09% so với cùng kỳ, song mức tăng GRDP thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,92%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,8% (riêng công nghiệp tăng 9,07%); dịch vụ tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá, lĩnh vực dịch vụ 6 tháng đầu năm đang có xu hướng “kéo” tăng trưởng chung lên, trong khi lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp đang gặp khó. Riêng về sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, động viên các doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp... Tuy vậy, lĩnh vực công nghiệp 6 tháng đầu năm được đánh giá chững lại rõ rệt.
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, hạ tầng thương mại ngày càng phát triển và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Luỹ kế 6 tháng, khách du lịch đến Nghệ An ước đạt 3.908 nghìn lượt, tăng 9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4.867 tỉ đồng, tăng 19%. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33.585 tỉ đồng, đạt 45,39% kế hoạch, tăng 12,29% so với cùng kỳ.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến lĩnh vực đầu tư công trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 42,18% kế hoạch giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn bình quân cả nước; ước giải ngân 6 tháng đạt khoảng 50,3% kế hoạch. Tính đến ngày 14/6, trên địa bàn toàn tỉnh thành lập mới 842 doanh nghiệp, bằng 94,18% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 7.072,72 tỉ đồng, tăng 31,52% so với cùng kỳ. Liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư, tính đến ngày10/6, đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 46 dự án, với tổng vốn đăng ký 5.858,58 tỉ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ trọng tâm của “Năm cải cách hành chính” 2019 cũng được đẩy mạnh thực hiện, trong đó có công tác chuẩn bị để thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Năm 2019 cũng ghi nhận tín hiệu vui khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An tăng 2 bậc, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) tăng 2 bậc, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 40 bậc, xếp vị trí 4/63 tỉnh, thành phố.
Một nhiệm vụ khác cũng được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm là việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, nhất là các khoản nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất... Theo đó, thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đảm bảo đúng tiến độ đề ra, ước thực hiện 7.180 tỉ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều khoản thu đạt khá như thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thuế trước bạ, thuế bảo vệ môi trường. Tuy vậy, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề, nhất là về nợ thuế, với số nợ 1.559 tỉ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, chi ngân sách ước thực hiện 12.216,7 tỉ đồng, đạt 50,2%.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh có 218/431 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 50,58%, cao hơn mức bình quân cả nước; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn NTM. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tốt, nổi bật. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 19.165 lao động, đạt 51% so với kế hoạch... Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện của nhân dân cơ bản thực hiện tốt, đã giải quyết được 176/203 vụ việc, đạt 86,7%.
Bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, bức tranh KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm vẫn còn một số “mảng xám” như: Số lượng, vốn đăng ký đầu tư vẫn còn thấp, chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ, chưa có dự án lớn mang tính động lực, đột phá. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn chậm do các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường còn một số bất cập. Nợ thuế, nợ BHXH vẫn còn ở mức cao... Đánh giá tổng thể, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (7,39%) và thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng, do vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 (9 - 9,5%) vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 4,03%, "suýt soát" chỉ tiêu Đại hội Đảng đề ra nhưng chưa đạt kịch bản tăng trưởng là 5%.
Trước thực tế trên, để hiện thực hóa các mục tiêu KT-XH đã đề ra của năm 2019, đóng góp hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý lưu ý các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra lại việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, bám sát 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu tại Quyết định số 96 ngày 10/1/2019 và kịch bản tăng trưởng năm 2019 với mục tiêu đạt 9,5%. Đối với lĩnh vực công nghiệp, cần có giải pháp phát huy tối đa vai trò các ngành có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, các sản phẩm công nghiệp chủ lực; đồng thời tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường. Với nông nghiệp - lĩnh vực đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung, Sở NN&PTNT cần giám sát chặt chẽ, chủ động phòng ngừa, khống chế dịch tả lợn châu Phi; đồng thời tập trung cao cho việc chống hạn, phòng, chống cháy rừng, không để nông nghiệp tụt tăng trưởng…
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, trong giai đoạn triển khai đầu tư công 2016 - 2021, Nghệ An có hơn 700 công trình. Tuy nhiên, thời gian tới đây, tỉnh sẽ hạn chế số lượng, chọn những công trình tạo "cú hích", "bàn đạp" để kích thích tăng trưởng, giải quyết các vấn đề chủ yếu. Còn đối với lĩnh vực CCHC, cụ thể là việc đưa Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động sẽ góp phần kiểm soát được ngày giờ, tiến độ thực hiện các quy trình, giải quyết các thủ tục, song cần nghiên cứu phương án kiểm soát mối liên hệ, kết nối, khả năng tiếp cận giữa doanh nghiệp với các sở, ngành.
Cũng liên quan đến thực tế lĩnh vực công nghiệp không đạt được mục tiêu kịch bản đề ra, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là lĩnh vực xây dựng cần nỗ lực để “kéo giúp” công nghiệp. Yêu cầu đó xuất phát từ thực tế trong thời điểm hiện nay, ngành xây dựng có nhiều triển vọng đóng góp cho tăng trưởng khi các dự án đang triển khai khá nhiều trên địa bàn; song cũng cần quan tâm xử lý tốt vấn đề quy hoạch.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, cần kiên trì bám sát các nhà đầu tư vào đầu tư tại Nghệ An; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để các doanh nghiệp vào đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu công nghiệp đã đầu tư hạ tầng bài bản. Liên quan đến định hướng phát triển trong thời gian tới, phương châm nhất quán của tỉnh là phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa - xã hội; phát triển kinh tế gắn với giữ vững quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế phải gắn với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo nhằm đảm bảo tính toàn diện, bền vững.
Thực tế cho thấy, chặng đường còn lại của năm 2019 đặt ra nhiều nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, với những khó khăn và thách thức không nhỏ. Song, với những giải pháp toàn diện, sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, tin rằng, Nghệ An sẽ nỗ lực bứt phá để “chạm đích” kịch bản tăng trưởng của năm.
Thùy Dương