Kinh tế xã hội
Có 50/63 địa phương có đề án, chính sách 'trợ lực' doanh nghiệp nhỏ
09:28, 05/07/2019 (GMT+7)
Đến ngày 20/6/2019, có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển nhóm doanh nghiệp này trên địa bàn.
Đây là một thông tin trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại về tình hình thực hiện trong quý II/2019 Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7.
Bộ KHĐT cho hay, tính đến ngày 26/6/2019, Bộ đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan bộ, ngành, 11 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nhiều bộ, ngành đã tích cực rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm các điều kiện doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đạt tỷ lệ vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Hoàn thành công bố các thủ tục hành chính bị bãi bỏ trên cổng thông tin điện tử; đồng thời ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các đơn vị đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước.
Một số lĩnh vực đã đạt tỷ lệ doanh nghiệp tham gia rất cao như kê khai, nộp thuế điện tử đạt 99-99,98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ chế một cửa quốc gia tính đến 27/5/2019, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối, xử lý gần 2,2 triệu bộ hồ sơ cho doanh nghiệp; nhiều Bộ, ngành đã hoàn thành cổng dịch vụ công để thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, ngày 24/6/2019, Hệ thống e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động, đây sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những bất cập, mâu thuẫn trong quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang được các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương rà soát và sửa đổi bổ sung trong các đạo luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đất đai...
Nhiều địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, hàng quý, hoặc tối thiểu 6 tháng một lần; liên tục đổi mới hình thức đối thoại như đối thoại theo chuyên đề kết hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách cho doanh nghiệp như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp...
Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết: Sau một năm rưỡi kể từ khi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực, các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Đồng thời, để khẩn trương đưa một số chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, hiện nay, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị quyết của Quốc hội về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV.
Ở cấp địa phương, tính đến ngày 20/6/2019, đã có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh/thành phố. Trong đó, một số địa phương đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh...
“Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp ở các địa phương ngày càng trở nên sôi động, góp phần từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Về tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn, 9-11%/năm với trung và dài hạn.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng; phối hợp UBND thành phố lớn tổ chức các hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, tập trung vốn vào sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương; chủ động triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Về nguồn nhân lực, Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty lớn,... trong việc tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập; đánh giá kết quả và tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Về công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm thông qua hệ thống các chương trình KHCN quốc gia…
Thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bình Dương, Đồng Tháp, Tuyên Quang, v.v).
Về cắt giảm các khoản phí, lệ phí có liên quan đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp: Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các bộ, ngành, trong đó, dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% - 25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn.
Để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp như Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.v.v..
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đánh giá: Nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT- TTg. Tính đến ngày 26/6/2019, 85% tổng số các nhiệm vụ đã được hoàn thành, 15% đang được triển khai tích cực.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
“Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ cho DNNVV”, Bộ KH&ĐT lưu ý.
Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương về việc: Có nhiều ý kiến còn cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp chưa thực chất và có nhiều bước tiến mới so với năm 2018, nhất là kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
“Tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 17,4%, giải thể tăng 18,1%...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: Huy Thắng/Chinhphu.vn