Thứ Ba, 02/07/2019, 15:23 [GMT+7]

3 trường hợp đặc cách tuyển dụng công chức

Tăng lương cơ sở, lương hưu; đặc cách tuyển dụng công chức; công dân được quyền đề xuất bản án, quyết định thành án lệ; sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư... có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ… là những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2019.
 
Tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng/tháng
 
Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7. Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
 
Theo Nghị định, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.
 
Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
 
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng
 
Cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Nghị định 44/2019/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng quy định, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng thêm 7,19% (trên cơ sở mức lương, trợ cấp hưởng trong tháng 6/2019) với 8 nhóm đối tượng.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL.
Các đối tượng cụ thể bao gồm, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
 
Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 và Nghị định 9/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
 
3 trường hợp đặc cách tuyển dụng công chức
 
Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ 1/7. Thông tư quy định 3 trường hợp công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển.
 
Các trường hợp này gồm người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học; là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang, cơ yếu; tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… Hoặc là công chức cấp phòng trở lên, được tiếp nhận để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.
 
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định viên chức chỉ cần đạt từ 50 điểm trở lên với mỗi bài thi trong kỳ thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì được coi là trúng tuyển (trước đây là 55 điểm).
 
Phạt tiền đến 50 triệu đồng cho hành vi dùng điện đánh cá
 
Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5/7. Quy định mới nghiêm cấm việc dùng điện đánh bắt thủy sản. Nếu vi phạm, người dùng điện đánh cá (không dùng tàu) bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng; người dùng điện trên tàu cá để khai thác thủy sản bị phạt từ 15 – 40 triệu đồng; người dùng lưới điện để đánh bắt Người vi phạm có thể chịu phạt bổ sung là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản…
 
Ngoài ra, Nghị định quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với các hành vi xuất khẩu trái phép loài thủy sản không đáp ứng được điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.
 
Lãi suất rút tiền tiết kiệm trước hạn phải phù hợp quy định
 
Từ ngày 5/7,Thông tư 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về tiền gửi tiết kiệm có hiệu lực và cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Với người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
 
Thông tư 48 quy định, việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền. Tuy nhiên, lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, tổ chức tín dụng và người gửi tiền có thể thỏa thuận về các biện pháp khác để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm và biện pháp tổ chức tín dụng thông báo cho người gửi tiền khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi tiết kiệm.
 
Công dân được quyền đề xuất bản án, quyết định thành án lệ
 
Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có hiệu lực từ 15/7 quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo nghị quyết, án lệ phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.
 
Ngoài tòa án, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cho TAND Tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ hoặc bãi bỏ một án lệ đã có.
 
Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Các thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định.
 
Sĩ quan Công an là giáo sư, phó giáo sư... có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ
 
Từ ngày 25/7, Nghị định 49/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của luật công an nhân dân chính thức có hiệu lực. Theo nghị định, tuổi nghỉ hưu của công an nhân dân là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
 
Tuy nhiên, sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong lực lượng công an. Cụ thể, giáo sư được không quá 10 năm; không quá 07 năm với phó giáo sư và không quá 05 năm đối với tiến sĩ, chuyên gia cao cấp.
 
Nghị định cũng nêu rõ, trong thời gian kéo dài tuổi phục vụ, sĩ quan được kéo dài hạn tuổi phục vụ có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật…
.

Nguồn: Dangcongsan.vn

.