Chủ Nhật, 30/06/2019, 09:09 [GMT+7]
Huyện Quỳ Hợp

'Vô hiệu hóa' 45 điểm mỏ hết hạn khai thác

(Congannghean.vn)-Trong thời gian 3 ngày (24 - 26/6), UBND huyện QUỲ Hợp tổ chức lực lượng hơn 50 người, huy động máy xúc, xe cơ giới và các loại phương tiện khác, đồng loạt tiến hành san lấp, đánh sập 45 điểm cửa hầm lò của 3 mỏ khai thác thiếc tại khu vực Lan Toong suối Bắc, xã Châu Thành và Châu Hồng đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh. Đồng thời, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh lập phương án xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng huyện Quỳ Hợp san lấp, đánh sập các cửa hầm
Lực lượng chức năng huyện Quỳ Hợp san lấp, đánh sập các cửa hầm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, huyện Quỳ Hợp và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn tại các vùng mỏ đã hết thời hạn khai thác, xử lý nghiêm nhiều trường hợp khai thác quặng “thổ phỉ” tại các mỏ đã có quyết định đóng cửa. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhiều người dân các xã Châu Thành, Châu Hồng và các địa phương khác vẫn liên tục vào vị trí các mỏ đã hết thời hạn cấp phép khai thác để “mót quặng”, bất chấp nguy hiểm tính mạng đang rình rập!

Mới đây nhất, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 13/3/2019, một nhóm người dân tại địa phương đến mỏ thiếc đã đóng cửa tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp để “mót quặng” còn sót lại. Trong khi nhóm người này vào trong hầm để mót quặng thì bất ngờ mỏ thiếc bị sập khiến 3 người bị vùi lấp và tử vong. Các nạn nhân gồm: Ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi), bà Lương Thị Hảo (37 tuổi) và bà Sầm Thị Hải (32 tuổi). Cả 3 người này cùng trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, trong đó ông Tuấn và bà Hảo là hai vợ chồng, hoàn cảnh các gia đình đều hết sức khó khăn. Được biết, khu vực mỏ nhóm người này mót quặng trước đây của Công ty Tuấn Hùng, đã hết thời hạn khai thác hơn 3 năm nay.

Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quỳ Hợp cho hay: Các doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác mỏ, đã thực hiện phương án đóng cửa mỏ, song phía bên trong lòng núi còn nhiều đường hầm chưa đánh sập hết, do đó người dân địa phương vẫn vào đây mót quặng, kiếm sống. Cũng theo lời ông Hào, phía trong lòng núi, nhiều km đường hầm kiểu giống như “tổ mối”, đường hầm này thông với đường hầm kia, chằng chịt, tuy vậy những người mót quặng rất thông thạo địa hình. Để “che mắt” lực lượng chức năng, một số cửa hầm người ta còn làm động tác giả bít miệng hầm bằng cách dùng đá chắn phía ngoài cửa, kiểu như miệng hầm đã bị lấp. Tuy nhiên, thực tế bên trong miệng hầm này vẫn đang thông thiên sang nơi khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù chính quyền địa phương các xã Châu Thành, Châu Hồng đã tuyên truyền, vận động người dân không vào các mỏ hết hạn cấp phép khai thác để mót quặng, song nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm. Tìm hiểu được biết, dụng cụ mót quặng mỗi người chỉ cần một cái xà beng và bì xác rắn, mỗi ngày tích cực người dân có thể kiếm được số quặng bán ra từ 200.000 - 500.000 đồng. Vì lẽ đó, những người không có công ăn việc làm ổn định thường bất chấp nguy hiểm để mót quặng.

Người dân “mót quặng” tại mỏ thiếc đã hết hạn khai thác, hoàn thổ sơ sài
Người dân “mót quặng” tại mỏ thiếc đã hết hạn khai thác, hoàn thổ sơ sài

Số liệu thống kê cho biết, hiện tại trên địa bàn Quỳ Hợp có 64 giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn; có 57 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn và không khai thác, trong số đó 51 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ, 6 giấy phép đang trong quá trình nâng cấp trữ lượng xin cấp lại. Tuy nhiên, tình trạng hoàn thổ mỏ sau khai thác vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, liên tục xảy ra những vụ tai nạn thương tâm.

Trước thực trạng trên, từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và với trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân và ANTT trên địa bàn, UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện và UBND 14 xã liên quan đến các điểm mỏ triển khai nhiều biện pháp quản lý như vận động người dân không vào các điểm hầm lò đã đóng cửa mỏ để tận thu, khai thác quặng thiếc trái phép, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Tổ chức lực lượng tăng tần suất truy quét nhằm phá hủy, làm mất tác dụng nhiều phương tiện và đẩy đuổi khỏi khu vực khai thác khoáng sản trái phép, góp phần kiềm chế, không để phát sinh phức tạp.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với tổ công tác của Sở TN&MT đi thực địa kiểm tra rà soát 41 điểm cửa khai thác quặng thiếc hầm lò của các công ty, gồm: Tuấn Hùng, An Vinh, Phủ Quỳ, Chính Nghĩa tại suối Bắc Châu Thành, Châu Hồng và các điểm khai thác thiếc lộ thiên có nguy cơ sạt lở mất an toàn lao động tại khu vực bản Lống, xã Châu Tiến và Liên Hợp, Châu Hồng; đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tổng kiểm tra các mỏ khoáng sản trong toàn huyện. Cụ thể, huyện Quỳ Hợp đã tiến hành kiểm tra 16 đợt đối với 15 khu vực và tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp, với số tiền 71 triệu đồng.

Về trách nhiệm hoàn thổ, theo quy định, trước khi hết thời hạn được cấp phép khai thác mỏ, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm “hoàn thổ”, đưa mỏ về trạng thái an toàn. Nghĩa vụ hoàn thổ của các doanh nghiệp đã được Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 68 của Chính phủ, Thông tư 126 của liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, TN&MT cũng đã quy định đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Đồng thời, các doanh nghiệp phải ký Quỹ phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ nhằm giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác. Quỹ phục hồi môi trường sẽ tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng trước khi tiến hành khai thác. Nhà nước sẽ giữ số tiền các doanh nghiệp khai thác ký quỹ. Sau khi khai thác xong, doanh nghiệp hoàn thổ hiện trạng đúng như cam kết thì được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp doanh nghiệp không hoàn thổ, Nhà nước dùng quỹ đó để trả chi phí thuê thực hiện. Sau khi hoàn thổ, cơ quan chức năng như Sở TN&MT, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm nghiệm thu.

Qua các đợt kiểm tra, huyện Quỳ Hợp đã nhiều lần có ý kiến đề xuất với Sở TN&MT, cần có các biện pháp mạnh, yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp phớt lờ hoặc cũng chỉ làm đối phó. Trong khi đó, theo Sở TN&MT Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Để các doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoàn thổ mỏ theo đúng quy định của pháp luật, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện và các sở, ngành cấp tỉnh.

.

Đ. Thắng

.