Kinh tế xã hội

Công khai ngân sách tỉnh: 50% tỉnh, thành vẫn 'minh bạch thấp'

09:03, 13/06/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Đây là kết quả được công bố tại báo cáo Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (viết tắt theo tiếng Anh là POBI), được Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, công bố sáng 12-6.
 
Đây là năm thứ 2, POBI được thực hiện, là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015.
 
Vĩnh Long về nhất, Hải Phòng bét bảng
 
Kết quả POBI 2018 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 51 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn khá nhiều so với năm 2017- chỉ số này trong POBI 2017 là 30.5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017. 
 
Tín hiệu đáng khích lệ đầu tiên là năm 2018, đã có 6 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ (Nhóm A, điểm xếp hạng từ 75-100), so với năm 2017 là không có tỉnh nào. 
 
Bên cạnh đó, có 27 tỉnh công khai tương đối, thuộc nhóm B (điểm xếp hạng từ 50 đến dưới 75 điểm) và 21 tỉnh công khai chưa đầy đủ, (Nhóm C, điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 50), và chỉ có 9 tỉnh thuộc nhóm công khai ít (Nhóm D, điểm xếp hạng dưới 25). 
Nhiều tỉnh chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định.
Nhiều tỉnh chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định.
“Đáng chú ý, khác với năm 2017, không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Điều này cho thấy đã có một sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn 32 tỉnh thành nằm dưới mức xếp hạng trung bình. Điều này cho thấy dù có nỗ lực rõ rệt nhưng vẫn còn khoảng 50% tỉnh thành cần tuân thủ và cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách tỉnh”, TS Nguyễn Đức Thành Viện trưởng VEPR cho biết
 
POBI 2018 cho thấy sự khác biệt trong mức độ công khai ngân sách tỉnh giữa các vùng. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 60.9 và 59.16 điểm, tiếp theo đó là vùng Đông Nam Bộ (54.37 điểm) và Đồng bằng sông Hồng (50.55 điểm). 
 
Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 40.33 điểm, tiếp đó là Trung du và miền núi Bắc bộ (42.9 điểm) và khu vực Tây Nguyên (46.3 điểm). 
 
Về cụ thể, 6 tỉnh xếp vào nhóm A, Vĩnh Long xếp đầu tiên với 90,52 điểm, tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu (85,91 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm), Vĩnh Phúc (82,05 điểm). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo chấm điểm chỉ ở mức trung bình thấp. Cụ thể Hà Nội được 49,72 điểm, Thành phố Hồ Chí Minh là 48,98 điểm. 
 
“Đặc biệt, năm 2017,Hải Phòng là số 0 tròn trĩnh, tức không công bố bất cứ gì, không tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai tài liệu ngân sách Nhà nước. Tới năm nay, từ 0 điểm, chỉ cải thiện được một chút, lên 5 điểm và vẫn là địa phương thấp điểm nhất," ông Thành chỉ ra.
 
Người dân ít được tham gia công khai ngân sách
 
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, có nhiều loại tài liệu bắt buộc phải công khai như: Báo cáo dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo dự toán ngân sách tỉnh; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh; Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh,... 
 
Trong số này, dự thảo dự toán trình Hội đồng Nhân dân tỉnh là tài liệu có sự thay đổi lớn nhất với 47 tỉnh (74,6%) có công khai tài liệu này. Trong khi ấy, năm 2017, số lượng địa phương công khai chỉ là 27 tỉnh (42,9%). Ngoài ra, với tài liệu khác như báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý 3, có 46 địa phương (73%) đã thực hiện công khai trong khi năm 2017 là 28 địa phương (44,4%). 
 
"Điều này cho thấy các tỉnh đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh," đánh giá của nhóm khảo sát nêu lên.
 
Song, dù có cải thiện, nhưng về tính kịp thời, vẫn có tình trạng các tỉnh chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo như quy định. Ví dụ dù có 47 tỉnh (74,6%) có công khai dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng Nhân dân tỉnh nhưng chỉ có 29 tỉnh (46%) công khai kịp thời (trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh gửi tài liệu này cho đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh). Trong khi ấy, có 7 tỉnh công bố chậm (trong vòng 15 đến 30 ngày) và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công bố.
 
"Như vậy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước để cho người dân tham gia ý kiến chưa đạt được. Hơn nữa, về mức độ tham gia của người dân cho thấy nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 34.35 điểm. Tỉnh Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất với 66.6 điểm" báo cáo nêu lên.
Trong năm 2018, báo cáo của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) cho thấy Việt Nam ở Top các quốc gia ít công khai ngân sách nhất thế giới. Cụ thể, kết quả chỉ số công khai ngân sách (OBI) 2017 của Việt Nam ở trụ cột thứ nhất về công khai ngân sách ghi được 15 điểm xếp hạng/100. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 42/100 điểm. So với khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar. Còn các nước khác như Philippines hay Indonesia đều đat mức điểm cao, lần lượt là 67/100 và 64/100, được xếp hạng tốt “đầy đủ”. 
PV
 
POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015. POBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển trong việc quản lý ngân sách tại địa phương thông qua các khía cạnh: độ minh bạch, tính giải trình và mức độ tham gia về ngân sách. POBI là cũng là công cụ giúp cho Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn nỗ lực cải cách hành chính và tài khóa, góp phần thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân. Chính quyền địa phương cũng có thể sử dụng POBI để theo dõi, đánh giá mức độ công khai minh bạch về ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị tại địa phương mình. 
B.K.

Nguồn: Hà An/CAND

Các tin khác