Kinh tế xã hội
Đầu tư đảm bảo trọng tâm, trọng điểm
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, quá trình thực hiện các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) và xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh cũng như phục vụ quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên huyện, liên xã sẽ được xác định thứ tự tiêu chí ưu tiên |
Trên lĩnh vực GTVT, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, hình thành mạng lưới giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, kết cấu hạ tầng GTVT có sự phát triển mạnh mẽ.
Minh chứng là nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như đường nối đường N5 - Nam Cấm - Đô Lương, nâng cấp mở rộng QL15, đường Vinh - Hưng Tây, cầu Yên Xuân, các cầu vượt đường sắt, một số hạng mục trong Cảng hàng không Vinh, Cảng Cửa Lò… Không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, sự phát triển của hạ tầng GTVT còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, Sở GTVT đã huy động được khoảng 8.625 tỉ đồng để hoàn thành 21 dự án, 9 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 5.158 tỉ đồng; hoàn thành các thủ tục để đầu tư 11 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 30.715 tỉ đồng. Còn 22 dự án chưa triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90.629 tỉ đồng.
Một Đề án khác tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống dân sinh cũng đã ghi nhận những kết quả bước đầu là Đề án “Đảm bảo cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Sau 3 năm triển khai, đến tháng 4/2019, đã có 20/21 đô thị có nhà máy cấp nước tập trung. Tổng công suất cấp nước của các đô thị đạt 123.500 m3/ngày đêm; có 441.144 người dân được sử dụng nước sạch, tăng 49.293 người so với thời điểm phê duyệt Đề án.
Về cấp nước nông thôn, giai đoạn 2016 - 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai nâng cấp, cải tạo 104 công trình và đưa vào sử dụng 5 dự án cấp nước sinh hoạt dở dang giai đoạn 2011 - 2015 và 10 công trình, dự án đang triển khai. Theo đó, đến hết năm 2018, có 81% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 52% dân số vùng nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế. Trên cơ sở kết quả trên, mục tiêu Đề án là đến năm 2020, có 85% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hoàn toàn có thể đạt và vượt mức.
Tại buổi làm việc gần đây với Sở GTVT và Sở Xây dựng nhằm kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu trong quá trình xây dựng các đề án, cần đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, nguồn vốn cũng như các yếu tố xã hội. Liên quan đến nguồn vốn, cần huy động thêm các nguồn lực xã hội. Riêng với nguồn vốn của tỉnh, cần có sự đầu tư thông minh, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các dự án quan trọng làm trước, ít quan trọng làm sau.
Đối với các lĩnh vực của ngành GTVT, việc phát triển hạ tầng giao thông cần xây dựng hoạch định rõ ràng, mang tầm chiến lược cũng như xác định rõ nguồn lực cho từng công trình, dự án. Theo đó, các dự án giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh là ưu tiên hàng đầu. Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, chưa thể đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên huyện, liên xã của toàn tỉnh, ngành GTVT cần phối hợp các ngành, địa phương xác định thứ tự tiêu chí ưu tiên.
Liên quan đến Đề án “Đảm bảo cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý của Nhà nước, tạo tính cạnh tranh, tránh độc quyền để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho người dân… Theo đó, quan điểm nhất quán trong quá trình đầu tư, triển khai các công trình, dự án cũng như đề án là phải đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của người dân, lợi ích của nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của địa phương.
Thùy Dương