Kinh tế xã hội

Cần xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp

09:23, 06/05/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Giá điện theo thông báo của EVN chỉ tăng 8,36%, tuy nhiên, khi nhận hoá đơn điện tăng đột biến, người dân “sốc” nặng trước khoản tiền phải chi trả. Trước những diễn biến bất thường của hoá đơn tiền điện, PV chuyên mục Trò chuyện cuối tuần có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia Kinh tế, xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Ngô Trí Long
PGS.TS Ngô Trí Long
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng giá điện tăng 8,36% từ 20-3, tuy nhiên hoá đơn tiền điện người dân phải trả trong tháng đầu này đã tăng rất mạnh so với thông báo của ngành điện đưa ra. Ông có thể nói rõ hơn về sự bất hợp lý trong cách tính biểu giá điện hiện nay?
 
PGS.TS Ngô Trí Long: Ngày 20-3, Chính phủ thông báo quy định tăng giá tiền điện lên 8,36%, nhưng ngay tháng đầu người dân phải trả hoá đơn tiền điện có nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện tăng gấp 1,5-2 lần. Người dân “sốc” trước việc tăng mạnh này. Bởi trước đó, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết người thu nhập sẽ phải trả thêm thấp nhất 7.000, cao nhất 77.000 đồng.
 
Về việc này EVN giải thích là do giá điện bán lẻ bình quân từ ngày 20-3 tăng 8,36%, nhu cầu sử dụng điện tăng cao do thời tiết nắng nóng phải sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hoà, quạt, và nhiều thiết bị làm lạnh,... do đó lượng điện tiêu dùng tăng lên; thời gian sử dụng điện trong tháng 4 là 31 ngày, dài hơn tháng 3 có 28 ngày.
 
Theo tôi lý giải mà EVN đưa ra là đúng, nhưng chưa đầy đủ, đằng sau đó có nguyên nhân sâu xa, mà chính nguyên nhân này gây nên sự bất công giữa người tiêu dùng với nhà đèn (EVN). Đó là biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng hiện nay bất hợp lý, chỉ có lợi cho EVN, không có lợi cho người tiêu dùng, cần phải xem xét, xây dựng lại biểu giá điện.
 
Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân cho một kWh điện. Giao cho Bộ Công thương xây dựng biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt. Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đảm bảo các mục tiêu: Một là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp; Hai là khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, do nguồn nguyên liệu đầu vào là khoáng thạch, nguồn cung có hạn, đồng thời khi sử dụng lại phát ra khí thải ảnh hưởng tới môi trường, trong khi nhu cầu sử dụng điện rất lớn.
 
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Công Thương đã xây dựng biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo bậc thang, lũy tiến. Nghĩa là Biểu giá điện chia làm 6 bậc, tính theo lũy tiến. Hai bậc đầu của biểu giá điện có mức giá bán thấp hơn mức giá bán lẻ điện bình quân (Bậc 1 (từ 0-50KWh): thấp hơn 10%, bậc 2 (từ 51-100KWh) thấp hơn 7%.
 
Từ bậc 3 đến bậc 6 có mức giá bán cao hơn giá bán lẻ điện bình quân rất nhiều. Bậc 3 (từ 101-200KWh) cao hơn 8,2%; Bậc 4 (từ 201-300KWh) cao hơn 36,1%, Bậc 5 (từ 301-400KWh ) cao hơn 52,5%, Bậc 6 trên 400KWh cao hơn 56,7% so với giá bán lẻ bình quân Chính phủ quy định.
 
Trong điều kiện hiện nay, một gia đình bình thường 2 vợ chồng với 2 người con thường sử dụng ít nhất trong khoảng 201-300KWh/tháng. Khá nhiều hộ gia đình cũng tiêu dùng trên 300KWh/tháng. Với biểu giá bán lẻ điện hiện hành như vậy, chắc chắn tổng doanh thu tiền điện của EVN thu được chia cho sản lượng điện thương phẩm bán ra trong một tháng sẽ lớn hơn giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đã quy định. Như vậy là EVN có lợi, người tiêu dùng bị thiệt.
 
Xét trên góc độ thống kê cho thấy, trong biểu giá điện, có 2 bậc, mức giá bán lẻ tiêu dùng từ 0-100KWh có mức giá bán lẻ chỉ thấp hơn giá bán lẻ bình quân từ 7-10%. Mà lượng điện tiêu dùng ở 2 bậc này rất ít so với 4 bậc còn lại.
 
Trong khi đó, 4 bậc còn lại thì quy định mức giá quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 8,2-57%), mà lượng tiêu dùng điện ở 4 bậc này lại rất nhiều so với 2 bậc kia. Biểu giá điện này được xây dựng từ 2014, sau khi đưa vào áp dụng đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Công luận đã phản đối rất mạnh, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo 3 miền Bắc Trung Nam, nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi.
 
PV: Vậy theo ông, biểu giá điện nên chia và tính như nào thì hợp lý?
 
PGS.TS Ngô Trí Long: Với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay, mà giá ở mỗi bậc như vậy, đặc biệt là mức giá ở các bậc 4,5,6 quá cao so với giá bán lẻ điện bình quân 1864,44đồng/kWh giờ thì người hưởng lợi là ngành điện, không có lợi cho người tiêu dùng. Vì thế, biểu giá điện cần được xem xét lại.
 
Tôi rất đồng tình với cách xây dựng biểu giá điện bậc thang, lũy tiến. Nhưng số bậc là bao nhiêu là hợp lý ? Đặc biệt, là mức giá của từng bậc so với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ quyết định làm sao cho hợp lý.
 
Muốn xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện cho hợp lý, đạt được mục tiêu của Chính phủ, cần phải có sự nghiên cứu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như những chuyên gia am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ để xây dựng một biểu giá điện làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đèn và người tiêu dùng.
 
PV: Theo ông, ngành điện hiện nay đang áp giá điện như thế cho người dân đã thực sự minh bạch hay chưa?
 
PGS.TS Ngô Trí Long: Chúng ta phải phân biệt rõ 2 khái niệm: công khai và minh bạch. Công khai là công bố thông tin. Còn minh bạch là thông tin công bố công khai đó có đúng sự thực, đúng bản chất vấn đề hay không? Hiện nay mọi hoạt động về mặt tài chính của ngành điện đều được công bố một cách công khai, còn minh bạch hay chưa chỉ có các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xem xét mới biết được tính đúng đắn của nó hay không?
 
Nếu sự công bố công khai đó, được các cơ quan chức năng xác định là đúng sự thực và đúng bản chất vấn đề, khi đó những thông tin công bố công khai đó mới là minh bạch. Nhưng cũng cần lưu ý ở đây là liệu cơ quan chức năng có làm công tâm, khách quan, hoặc có đủ năng lực để đánh giá đúng những thông tin đó hay không?
 
Ở các nước, ngoài các cơ quan chức năng của Nhà nước, thường có các cơ quan tư vấn độc lập kiểm tra lại, sự đánh giá của các cơ quan chức năng, để bảo đảm tính độc lập, khách quan của nó.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Lưu Hiệp/CAND

Các tin khác