Kinh tế xã hội
Nâng tầm hợp tác Nghệ An - Nhật Bản
(Congannghean.vn)-Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Bắc Trung Bộ 2019” và Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và phát triển” được tổ chức tại TP Vinh vào ngày 25, 26/4 vừa qua được đánh giá là dịp hội ngộ quý giá nhằm thắt chặt hơn nữa sợi dây kết nối giữa xứ sở mặt trời mọc với các địa phương của Việt Nam. Với lợi thế là chủ nhà đăng cai và phối hợp chủ trì, Nghệ An đang nỗ lực tận dụng tốt thời cơ này để mở rộng hợp tác, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế với nước bạn lên tầm cao mới.
Nhiều sản phẩm đặc trưng của Nghệ An được giới thiệu rộng rãi tới các đại biểu đến từ Nhật Bản |
Ngay sau Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Bắc Trung Bộ 2019”, vào ngày 26/4, Nghệ An tiếp tục chủ trì Hội nghị “Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hợp tác và phát triển”. Hội nghị tập trung vào các vấn đề: Trao đổi, thảo luận sâu và định hướng thu hút đầu tư FDI, ODA, NGO; đẩy mạnh hợp tác sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo và lao động; mặt khác tạo cơ hội để gặp gỡ, trao đổi giữa chính quyền với chính quyền, chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp của tỉnh Nghệ An và các tỉnh của Nhật Bản thông qua việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cung cấp thông tin, tăng cường hiểu biết, tin tưởng; định hướng các nội dung hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Với tầm quan trọng của những nội dung trên, Hội nghị này được đánh giá là sáng kiến ngoại giao rất thiết thực, không chỉ mang ý nghĩa về chính trị mà còn cả về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai bên. Bởi không chỉ là cơ hội để trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện giữa Nghệ An với Nhật Bản, Hội nghị còn có sức ảnh hưởng mang tầm cỡ quốc gia, bởi nó sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Nghệ An được nhiều đại biểu đánh giá cao khi hội tụ nhiều tiềm năng, yếu tố để thu hút đầu tư từ phía Nhật Bản. Nói như cách ví von của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về điều kiện thu hút đầu tư của tỉnh: Miền Nam có hình ảnh “muốn nuôi cá to phải đào ao sâu”, còn miền Bắc hay dùng thuật ngữ “muốn đón đại bàng phải có tổ lớn”, vậy thì Nghệ An “ao đã sâu, tổ cũng đã to”.
Còn theo đánh giá của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, môi trường đầu tư của Nghệ An ngày càng được cải thiện mạnh mẽ với quyết tâm rất cao của tỉnh. Năm 2018, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An xếp thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh cũng tương đối hoàn chỉnh, trong đó đã có những nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước về hạ tầng khu công nghiệp như: VSIP, WHA Hemaraj… Với những lợi thế trên, hiệu quả từ cái bắt tay trong lĩnh vực hợp tác đầu tư giữa Nghệ An với Nhật Bản được thể hiện rõ nét qua dấu ấn là những dự án FDI, ODA... đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Song điều trăn trở là, số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Nghệ An còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 7 dự án đầu tư FDI của Nhật Bản với tổng số vốn 72,69 triệu USD trong các lĩnh vực: Khai thác đá vôi, thực phẩm, may mặc, công nghiệp sản xuất linh kiện ôtô… Liên quan đến viện trợ ODA, NGO, tính đến nay, tổng số chương trình dự án ODA do Nhật Bản tài trợ tại Nghệ An là 44 dự án, với tổng mức đầu tư 6.260,08 tỉ đồng, tập trung chủ yếu hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông khu vực nông thôn, miền núi; điện nông thôn; thủy lợi; phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ; phát triển ngành nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản.
Về định hướng “hút vốn” hiệu quả từ đất nước mặt trời mọc, hiện tỉnh Nghệ An tập trung thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp sản xuất ôtô; công nghiệp kỹ thuật cao và công nghiệp hỗ trợ (chế tạo phụ liệu, phụ kiện, linh kiện, chi tiết máy móc thiết bị... cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, ôtô, công nghiệp hóa dầu, nhiệt điện); cơ khí chế tạo... Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dược liệu, cà phê, cao su, chè theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm; các dự án xây dựng nhà máy chế biến thịt và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với công nghiệp phục vụ chăn nuôi... cũng sẽ là những danh mục hấp dẫn để mời gọi, thuyết phục nhà đầu tư Nhật Bản.
Trên nền tảng sự hợp tác giữa hai bên, nhằm tiếp tục nâng cao quan hệ Nghệ An - Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Nghệ An cần nỗ lực hết mình từ đổi mới nhận thức, tư tưởng, chính sách đến hành động, với 3 việc cần làm.
Thứ nhất, lãnh đạo và chính quyền tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Nghệ An - Nhật Bản từ đối ngoại đến thu hút đầu tư, thương mại, du lịch… Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh.
Thứ hai, cần tích cực, đổi mới và sáng tạo hơn nữa để quảng bá rộng rãi về tiềm năng hợp tác, kinh doanh tại địa phương, đồng thời tìm hiểu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, mong muốn của các đối tác, nhà đầu tư Nhật Bản.
Thứ ba, phát huy tốt nội lực, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương, thúc đẩy liên kết giữa hai bên thông qua tăng cường hợp tác về ODA, thương mại, đầu tư. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác hai bên đã triển khai, cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn để phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác chưa được khai phá.
Tin tưởng rằng, với sự đồng hành của Chính phủ, sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền tỉnh Nghệ An và các đối tác đến từ Nhật Bản, quan hệ hợp tác giữa Nghệ An - Nhật Bản trong thời gian tới sẽ ghi nhận bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.
Thùy Dương