Kinh tế xã hội
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lao động
(Congannghean.vn)-Giảm lao động vào các tỉnh phía Nam, tăng cường gắn bó quê hương để phát triển đang trở thành xu thế mới xuất hiện tại Nghệ An một vài năm gần đây. Điều này không chỉ minh chứng về hiệu quả công tác thu hút đầu tư của tỉnh mà còn đặt ra bài học bức thiết về nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn.
Lao động du lịch dịch vụ tại TX Cửa Lò |
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 197/2007/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Nghệ An đến năm 2020. Quyết định ghi rõ: "Xây dựng Nghệ An thành trung tâm giáo dục đào tạo vùng Bắc Trung Bộ". Hiện nay, theo thống kê, Nghệ An có trên 60 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề, trong đó có 3 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp. Là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, hàng năm, Nghệ An có số lượng lớn người lao động tham gia vào thị trường lao động. Theo thống kê, dân số trong độ tuổi lao động luôn chiếm trên 50% tổng dân số. Vì vậy, các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững và hội nhập quốc tế được các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và đạt hiệu quả đáng kể.
Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chương trình phát triển nguồn nhân lực; trong đó tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở, cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng, đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, bồi dưỡng doanh nhân. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề của các ngành, các tổ chức đoàn thể thường xuyên được đẩy mạnh. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Liên minh Hợp tác xã... thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Nhờ đó, nông dân tỉnh nhà đã tăng cường áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả.
Trong những năm vừa qua, Nghệ An cũng luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh thi đỗ đại học. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của tỉnh lại tương đối dồi dào, có truyền thống hiếu học, cần cù, trình độ sản xuất ngày một nâng cao. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp, cao đẳng, đại học, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia thuộc tốp đầu cả nước.
Như vậy, Nghệ An sẽ không thiếu nhân tài nhưng điều quan tâm là làm thế nào để thu hút và sử dụng các nhân tài mới là điều quan trọng và không phải dễ dàng. Chúng ta cũng cần phân biệt rõ ràng, người đỗ đạt và học giỏi với nguồn lao động có chất lượng cao trong khả năng tiếp cận công việc và thành thục kỹ thuật. Theo đánh giá chung, tuy đã có những chuyển biến nhất định, song trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Nghệ An còn thấp, gây khó khăn không nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa lao động thành phố và nông thôn, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Trong tổng số lao động hiện nay, số lao động nông nghiệp tại Nghệ An vẫn chiếm số lượng lớn. Trong khi nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi chung của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Vì thế, trước mắt, Nghệ An đang tiếp tục chuyển mình theo hướng tập trung đào tạo cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chú trọng đào tạo cán bộ cho các ngành công nghiệp - chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất xi-măng, đóng tàu, hóa dầu, cảng biển, dịch vụ... để phát huy cao nhất thế mạnh của khu vực biển Nghệ An.
Việc phổ cập giáo dục cho cư dân nông thôn là điều kiện đầu tiên tạo cho nông dân khả năng tiếp cận được với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, từ đó cho phép họ nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác, tăng năng suất lao động. Đây là cơ sở để người nông dân đủ sức làm chủ hoạt động kinh doanh của mình, chủ động lựa chọn các phương án sản xuất tối ưu nhằm đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục tại tỉnh cũng đã không ngừng đổi mới, chú trọng hợp tác với các trường đại học lớn, trung tâm lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các nước. Thời gian tới, cần tiếp tục khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành. Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đẩy mạnh cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng để Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ.
Tuệ Trang