Kinh tế xã hội

Phòng, chống thiên tai: Chú trọng công tác phòng ngừa

08:14, 09/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, việc nâng cao tính chủ động trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua đó, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo đời sống, sản xuất của nhân dân, phục vụ sự phát triển KT-XH bền vững.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An  giúp dân trong mưa bão
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Nghệ An giúp dân trong mưa bão
Năm 2018, Nghệ An chịu ảnh hưởng trực tiếp của 5 đợt lốc xoáy, hoàn lưu 2 cơn bão, 5 vụ sét đánh, 16 vụ cháy, nổ, 23 vụ cháy rừng, 20 vụ tai nạn đường sông, đường biển… Diễn biến thiên tai phức tạp đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, làm chết 10 người, mất tích 1 người, bị thương 2 người. 92 căn nhà bị sập và cuốn trôi, 333 nhà hư hỏng nặng. 
 
Thiên tai cũng gây thiệt hại  hơn 10,6 nghìn ha lúa, hơn 12,1 nghìn ha hoa màu, hơn 4,2 nghìn ha cây trồng hàng năm; làm 42.682 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hơn 5,1 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; sạt lở, hư hỏng hơn 29 nghìn km đê, kè, bờ sông… Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm qua là hơn 1.847 tỉ đồng. Riêng trên vùng biển của tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn, sự cố; làm hư hỏng 23 phương tiện, chìm 8 phương tiện, cháy 2 tàu, làm bị thương 13 người, làm chết 12 người và mất tích 2 người.
 
Năm qua, mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp song những thiệt hại kể trên đã được giảm thiểu đáng kể so với các năm trước là nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và ý thức chủ động phòng, chống đối phó với thiên tai của các cấp, ngành và nhân dân được nâng cao. Việc chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) được thực hiện nghiêm túc. Nhờ vậy, diễn biến của thiên tai được nắm bắt nhanh chóng và có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Cũng trong năm qua, công tác kiểm tra, chỉ đạo việc triển khai các giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ trên địa bàn tỉnh cũng được các cấp, ngành Trung ương và tỉnh đặc biệt chú trọng. Phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực trong PCTT, năm qua, lực lượng vũ trang của tỉnh đã huy động hơn 16,7 nghìn lượt CBCS, 8 lượt tàu, 90 lượt xuồng cao tốc, 129 lượt ôtô tăng cường cho các huyện tuyến biển và huyện miền núi trọng yếu phục vụ công tác di dời nhân dân và cứu hộ, cứu nạn. Nhờ vậy, hơn 5.000 hộ dân, gần 23.000 người được đảm bảo an toàn; cứu được 203 người, 22 phương tiện tàu thuyền đưa vào bờ an toàn. 
 
Nhằm góp phần xây dựng xã hội “an toàn trước thiên tai”, năm 2019, quan điểm của tỉnh là công tác PCTT&TKCN cần chú trọng thực hiện phương án “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực cộng đồng liên quan đến công tác trên. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành, thị, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công trình trọng điểm, đê điều, hồ đập, vùng miền núi có nguy cơ dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro do thiên tai với các hoạt động KT-XH của địa phương. 
 
Liên quan đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, các địa phương, đơn vị tập trung đôn đốc, tu sửa công trình bị hư hỏng do thiên tai gây ra trong năm 2018; đầu tư cơ sở hạ tầng PCTT; tập trung nguồn lực, sắp xếp lại dân cư gắn với sinh kế ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt như ven sông, ven biển. Nhằm nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong phòng ngừa thiên tai, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác dự báo, cảnh báo, PCTT cũng cần được quan tâm thực hiện… với phương châm “Phòng là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh có hiệu quả”.

Thùy Dương

Các tin khác