Kinh tế xã hội
Khai thác đá, phá nát đường dự án
(Congannghean.vn)-Từ nhiều năm nay, Dự án đường nối từ QL1A vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II Nghệ An đã bị phá nát bởi 2 doanh nghiệp khai thác đất, đá và quặng sắt. Mỗi ngày, hàng trăm lượt xe tải của doanh nghiệp ra vào đã khiến cho tuyến đường dài chỉ khoảng 2 km này “nát như tương”.
Xe tải nối đuôi nhau “cày nát” đường vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội II Nghệ An |
Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II Nghệ An (gọi tắt là Trung tâm) đóng chân trên địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Được thành lập và đưa vào hoạt động từ năm 2003, với quy mô tiếp nhận hiện tại là 300 học viên/năm, theo quy hoạch đến năm 2020 của UBND tỉnh là 400 học viên, Trung tâm được đánh giá là một trong những cơ sở cai nghiện ma túy lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, theo phản ánh của cán bộ Trung tâm cũng như người nhà có thân nhân đang cai nghiện tại đây, tuyến đường nối từ QL1A vào đến Trung tâm chỉ khoảng 2 km nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần đi qua đây phải đánh vật với “ổ voi”, “ổ gà” rất vất vả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Đào Ngọc Lương, Giám đốc Trung tâm là do các doanh nghiệp thường xuyên khai thác đất đá với xe trọng tải lớn chạy liên tục, đã làm cho mặt đường “ổ gà”, “ổ voi”, gây bùn đất vào mùa mưa, bụi vào mùa nắng, gây khó khăn cho phương tiện đi lại, ô nhiễm môi trường nặng cho Trung tâm. Những năm qua, Trung tâm đã có ý kiến bằng văn bản với các doanh nghiệp và UBND huyện Nghi Lộc, nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra.
Qua tìm hiểu được biết, về tuyến đường nối từ QL1A vào Trung tâm, năm 2005, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định giao cho Sở LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư, xây dựng con đường này với kinh phí gần 1 tỉ đồng và đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng theo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra.
Tuy nhiên, ngày 1/2/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 472, cho phép Công ty TNHH Hà Thành (trụ sở tại Thanh Hóa) khai thác quặng sắt, thời gian cấp phép là 5 năm, tại địa danh Vân Trình, nằm ngay trước cổng của Trung tâm. Tiếp đó, ngày 16/4/2012, tỉnh tiếp tục cho phép Công ty TNHH Hòa Hiệp khai thác mỏ đá tại Lèn Dơi nằm phía trong Trung tâm. Cả 2 mỏ khoáng sản này đều đi chung trên con đường duy nhất mà tỉnh có chủ trương xây dựng để đi vào Trung tâm trước đó. Chính vì thế, chỉ sau một thời gian rất ngắn, với lưu lượng hàng trăm xe tải chở quặng, chở đất và đá lưu thông đã “cày nát” tuyến đường này.
Trước thực trạng này, Trung tâm đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, UBND huyện Nghi Lộc cũng đã làm việc với cả 2 doanh nghiệp nhưng vẫn không có hồi kết vì doanh nghiệp đổ lỗi cho nhau. Khoảng vài năm trở lại đây, Công ty TNHH Hà Thành ngừng hoạt động, chỉ có Công ty TNHH Hòa Hiệp tiếp tục khai thác song tình trạng đường xuống cấp vẫn tái diễn. Tại nhiều vị trí, do “ổ voi” quá lớn nên lái xe buộc phải đổ đất lấp đầy để tiếp tục hành trình.
Ông Nguyễn Bằng Phi, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghi Lộc cho rằng, tuyến đường này là chủ trương của tỉnh, do Sở LĐ-TB&XH làm chủ đầu tư. Về kiến nghị của Trung tâm phản ánh đường xuống cấp, Phòng cũng không nắm được để xử lý. Trong khi đó, liên quan đến vấn đề cấp mỏ khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp nhưng liệu cơ quan chức năng có tính việc mở đường vào mỏ hay không?
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho rằng, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tu sửa đường, thậm chí phải làm lại đường mới nếu gây hư hỏng nặng. Đối với đường nối QL1A vào Trung tâm xuống cấp sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, thì 2 Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Hà Thành phải có trách nhiệm sửa chữa. Vấn đề này, doanh nghiệp không thoái thác việc liên đới, song cho rằng do khó khăn về vốn nên chưa thể đầu tư, sửa chữa.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/11/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An có Công văn số 6917 thông báo về việc, Sở này đang tiếp nhận hồ sơ xin thăm dò quặng sắt và đất làm vật liệu san lấp tại khu Vân Trình, xã Nghi Yên từ Công ty TNHH Hà Thành. Sự hoạt động trở lại của công ty này sau một thời gian ngừng hoạt động đã khiến cho cán bộ, nhân viên Trung tâm và người nhà học viên vô cùng hoang mang, lo lắng khi vị trí khai thác lại phải đi qua tuyến đường độc đạo này.
Trong thời gian tới, vị trí mà 2 doanh nghiệp này khai thác sẽ cung cấp khối lượng vật liệu rất lớn để thi công tuyến đường cao tốc đoạn qua Nghệ An, đòi hỏi lượng phương tiện vận tải lớn lưu thông mỗi ngày. Do vậy, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có động thái kiên quyết hơn để doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nối QL1A vào Trung tâm, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông của cán bộ trung tâm mà thân nhân học viên, khi đến thăm con, em mình đang lao động, điều trị và chữa bệnh tại đây cũng bớt khó khăn hơn.
Thiện Thành