(Congannghean.vn)-Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 08 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường, bên cạnh những chuyển biến quan trọng, một số chỉ tiêu vẫn còn đạt thấp so với yêu cầu của giai đoạn 2017 - 2020.
Thực hiện Nghị quyết 08 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2017 - 2020, đến nay, toàn tỉnh có 3/18 chỉ tiêu đạt và vượt bao gồm: chỉ tiêu 75% khu đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động đáp ứng các tiêu chí về các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT; 85% chất thải y tế tuyến huyện, tỉnh được xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Ngoài ra, có 5 chỉ tiêu gần đạt mục tiêu, gồm: Tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỉ lệ dân số đô thị loại V được dùng nước sạch; tỉ lệ dân số đô thị loại IV trở lên được sử dụng nước sạch; tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị; tỉ lệ diện tích cây xanh công cộng trong các đô thị, khu dân cư.
Công tác thu gom thuốc bảo vệ thực vật trong các bể chứa trên đồng ruộng được nhiều địa phương thực hiện hiệu quả |
Việc quan tâm thực hiện công tác BVMT được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng, lập quy hoạch, kế hoạch và đề án, dự án đầu tư phát triển KT-XH của các sở, ngành, địa phương với phương châm BVMT là vấn đề được ưu tiên hàng đầu để cân nhắc, lựa chọn các chương trình, dự án, hướng tới sự phát triển bền vững... Điển hình như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng các giải pháp kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học và chất bảo quản nông sản trong sản xuất nông nghiệp; gắn với việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV đúng quy chuẩn.
Sở Y tế phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại; tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp giảm thiểu, phân loại, thu gom, xử lý chất thải đúng quy định và đến nay, đảm bảo 100% chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh được xử lý đúng quy định. Đối với các địa phương, việc phát huy vai trò của nhân dân trong công tác BVMT như phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường để kiến nghị các cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý cũng được chú trọng. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, gắn với quan tâm thu hút đầu tư các dự án “sạch” hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp.
Bên cạnh những chuyển biến quan trọng nói trên, việc thực hiện một số chỉ tiêu mà Nghị quyết 08 của BTV Tỉnh ủy đề ra vẫn còn chậm. Đáng lưu ý như đến nay, mới chỉ có 35% dự án được xác nhận hoàn thành công trình BVMT so với mục tiêu 100% vào năm 2020. Điều đó đồng nghĩa với việc, có 65% dự án chưa được xác nhận hoàn thành công trình BVMT đi vào vận hành đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, so với thời điểm trước khi có Nghị quyết số 08, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp vẫn còn “dậm chân tại chỗ”; cụ thể, mới chỉ có 40% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn so với mục tiêu 100% vào năm 2020.
Liên quan đến vấn đề xử lý môi trường tại các cơ sở y tế, điểm tồn dư thuốc BVTV, cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ quan chức năng vẫn đang vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí và công khai các điểm tập kết rác thải xây dựng; việc kiểm soát nguồn thải lưu sông, quản lý môi trường làng nghề, thu gom, xử lý rác thải còn chưa đồng bộ, thường xuyên dẫn đến “bài toán” ô nhiễm môi trường vẫn không được giải quyết dứt điểm. Một chỉ tiêu khác cũng đạt thấp là tỉ lệ điểm ô nhiễm tồn dư hóa chất BVTV được điều tra, khoanh vùng, lập dự án xử lý (đạt 27% so với mục tiêu 100% đến năm 2020).
Đi liền với đó là nhiều vấn đề nan giải như việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; bởi trên thực tế, tỉ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt khá cao, song việc xử lý đảm bảo môi trường lại đạt thấp. Tương tự, chất lượng xử lý bao bì thuốc BVTV, giải quyết một số điểm “đen” ô nhiễm môi trường còn thấp, gây tác động không nhỏ tới môi trường cũng như sức khỏe con người. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục; trong đó, các địa phương chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Một nhiệm vụ mang tính cấp bách khác là các sở, ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, đảm bảo các chất thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn, nếu chưa đạt thì yêu cầu dừng hoạt động để tập trung đầu tư xây dựng các công trình BVMT. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động để giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm diện rộng…
.